Saturday, July 21, 2007

Vài nét về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Vài nét về bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân
14.07.2007 13:20

Quy Trình Bầu Cử

Về mặt lý thuyết, Quốc hội là cơ quan lập pháp. Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan có thẩm quyền đưa ra « các nghị quyết bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật ở địa phương », có nghĩa là giống như một bộ phận lập pháp nhưng ở cấp dưới, và bị chi phối bởi các điều luật đưa ra từ Quốc hội. Các nghị quyết này được thực thi bởi các Ủy ban Nhân dân, là bộ phận Hành pháp ở địa phương.


Vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

Theo Hiến pháp 1992, các điều luật của Quốc hội và nghị quyết Hội đồng Nhân dân quyết định tất cả mọi mặt của Quốc gia: kinh tế, chính trị, quốc phòng, văn hóa – xã hội, giáo dục... Tiến trình bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức và giám sát bởi Mặt trận Tổ quốc – một cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quy trình bầu cử

Tiến trình bầu cử dựa theo các tài liệu luật ở Việt Nam hiện nay (chủ yếu là luật bầu cử Quốc hội, các bạn có thể tham khảo cụ thể trên trang web của Mặt trận Tổ quốc http://www.mattran.org.vn )


Thành lập các bộ phận kiểm tra và xem xét danh sách giới thiệu ứng cử, gồm:

Hội đồng bầu cử: nhận, xem xét các danh sách ứng cử gửi từ các cơ quan Trung ương rồi chuyển cho Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc; Xác định kết quả bầu cử ở Ủy ban bầu cử; Giải quyết các khiếu nại từ các Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử.
Ủy ban bầu cử (địa phương): nhận, xem xét các danh sách gửi từ các tổ chức ở địa phương rồi chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Kiểm tra xác nhận kết quả bầu cử từ Ban bầu cử.
Ban bầu cử (địa phương): trực tiếp điều hành các hoạt động bầu cử, từ khâu chuẩn bị đến lúc bỏ phiếu và kiểm kết quả.

Thành lập danh sách ứng cử

Ở Trung ương: do các tổ chức chính trị, kinh tế - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương thông qua qua Hội nghị cử tri của mỗi tổ chức ấy.

Ở địa phương: cũng do các tổ chức ấy nhưng ở cấp dưới.

Ứng cử tự do: hồ sơ của tất cả những người tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử được kiểm tra bởi Ủy ban bầu cử nếu ở cấp địa phương, và bởi Hội đồng bầu cử nếu được giới thiệu ứng cử (không có tự ứng cử) ở cấp Trung ương.


Hội nghị hiệp thương ứng cử đại biểu Quốc hội

Mục đích: xác định số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi tổ chức, cơ quan.

Hội nghị hiệp thương được tổ chức bởi Mặt trận Tổ quốc, và cũng chính Mặt trận Tổ quốc niêm yết danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.


Quy trình bầu cử có phù hợp với Hiến pháp và nhu cầu của cử tri?

Điều 6 Hiến pháp 1992 quy định: « nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân ».

Điều 7 Hiến pháp ghi rõ: « Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín ».

Theo Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan Nhà nước “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, tức là chỉ có nhân dân qua lá phiếu mới có quyền quyết định người đại diện cho mình. Bầu cử « phổ thông, bình đẳng » có nghĩa là nhân dân phải có quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử. Chỉ một nhóm người quyết định việc ứng cử, bầu cử thì sao gọi là bình đẳng được ?

Nhưng, như đã trình bày ở trên, hệ thống “xem xét đi xem xét lại” hồ sơ ứng cử từ cơ quan, đến Ủy ban bầu cử rồi đến Mặt trận Tổ quốc khiến cho những quyền đó không thể được thực hiện, hay nói cách khác, khiến cho những quyền đó như thể không tồn tại.

Thông qua Mặt trận Tổ quốc, Đảng Cộng sản nắm quyền đã tự chọn những ứng cử viên có lợi cho họ. Việc chọn lựa, giới thiệu ứng cử cũng diễn ra tương tự đối với bầu cử Hội đồng Nhân dân (các bạn có thể tham khảo điều luật 2003, chương 1, về bầu cử Hội đồng Nhân dân). Như vậy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là những cơ quan đại diện cho « ý chí và nguyện vọng » của hơn 3 triệu đảng viên, một con số quá ít ỏi so với con số 84 triệu dân.

Phụ thuộc vào Đảng Cộng sản ở cơ chế bầu cử và cơ cấu đại biểu, hoạt động và quyết định của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì thế hoàn toàn chịu sự chi phối của một Đảng. Thế nhưng, sự phân hóa trong xã hội ngày một đa dạng và sâu sắc, sự tồn tại của một đảng phái không thể hiện được ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Báo chí trong nước thời gian này cũng đang lên tiếng về sự việc bất hợp lý này. Đặc biệt, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài trả lời phỏng vấn BBC gần đây cũng nói ông ủng hộ chuyện tự ứng cử và muốn người dân được « tự do lựa chọn ». Ông nhấn mạnh: « Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ Quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào ».

Cần trả lại cho nhân dân quyền tự do ứng cử, tự do bầu cử để nhân dân thực sự là người làm chủ đất nước.

Nguyễn Bảo Trâm
http://www.phiatruoc.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=18
---

Vài nét về Khác biệt giữa chủ nghĩa Mác Lê Nin và chế độ tự do dân chủ thật sự

No comments: