Tuesday, July 31, 2007

Âm binh và Đảng Cộng sản Việt Nam

Âm binh và Đảng Cộng sản Việt Nam

Hà Nội đang lợi dụng những đội quân âm binh này để sử dụng vào mục đích tuyên truyền, đánh bóng cho chế độ của mình.
Hồ Gươm



Thế giới người Âm dưới con mắt của Phan Thị Bích Hằng

Trong số những “nhà ngoại cảm” liên tục được báo chí nhắc tới trong thời gian gần đây chúng ta phải kể đến “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng. Có lẽ không phải chỉ vì khả năng tìm mộ và giao tiếp với người Âm mà bởi vì Phan Thị Bích Hằng còn có khả năng ăn nói, diễn đạt lưu loát và rất cởi mở, tự nhiên. Do vậy hầu hết trong các cuộc nói chuyện liên quan đến đề tài ngoại cảm thì Phan Thị Bích Hằng dường như đã trở thành người phát ngôn chung của nhóm ngoại cảm và cũng là người kể nhiều câu chuyện ly kỳ với nhiều chi tiết mới lạ có thể đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của đông đảo những người ở đủ mọi tầng lớp xã hội đang quan tâm đến đề tài luôn rất “ thời sự” này.

“Dương sao Âm vậy” là câu nói mà ông cha chúng ta vẫn thường nhắc tới, tuy nhiên khi chúng ta được nghe từ miệng một người có “thẩm quyền” như Phan Thị Bích Hằng nói về thế giới người Âm thì không phải là không có một số điều bất cập.

Trong cuộc hội nghị tổng kết của bộ môn cận tâm lý, nơi Phan Thị Bích Hằng công tác, đầu năm 2006 có đoạn Hằng miêu tả (trích nguyên văn):


… Hồi cháu tìm thấy ở công viên Lê thị Liêm một cái xác của tay lính ngụy, thật ra là đi tìm một người chiến sỹ cách mạng của mình thôi, nhưng mà cái tay lính đó tay ấy cứ níu chân, tay ấy bảo là cho tôi nhắn nhủ mấy câu, thế là khi tìm thấy hài cốt của cậu ấy thì có một dây chuyền và một lá trái tim rất là sáng lấp lánh và ở trên đấy có một cây thánh giá ..ờ..ờ.. vậy là cậu ấy theo chúa, đi theo thiên chúa. Nghĩa là cậu ấy bảo là: tôi thì không cần phải thắp hương, chỉ xin thắp nến thôi và xin nguyện, thì lúc đấy làm gì ai biết mà nguyện, chẳng có ai biết câu kinh nào mà cầu, mà lễ, mà nguyện cho cái cậu lính ngụy ấy cả. Thế và cậu ấy rất là sợ, cậu ấy mặc cảm. Cậu ấy bảo là tôi nhắn nhưng mà nói bé thôi, không có những người ở phía bên kia họ nghe thấy. Những người ở phía bên kia có nghĩa là những người chiến sỹ cách mạng của mình bị chết ấy, và chôn ở gần đấy. Đừng có nói để những người ở phía bên kia họ nghe thấy, và họ lại xua đuổi tôi. Thế nhưng mà cái ông... cái ông ... Nguyễn văn Tỉ, tức là Sáu Nam í, là bí thư xứ ủy Nam Kỳ trước đây, là thân nhân của bác Nguyễn văn Tư chủ tịch tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, thì chính cái ông đó, ông ấy nói rằng là khi mà đã về cõi âm rồi, thì tất cả chúng ta đều là những cái vong linh, tất cả chúng ta đều là những cái linh hồn đang gặp nạn, có nghĩa là chúng ta không biết người thân, v.v...
(Trích http://www.mediafire.com/?1ccqnvbkmmn – Audio Phan Thị Bích Hằng 2006)


Như vậy, thế giới quan của người Âm (theo Hằng) không khác biệt gì lắm so với thế giới quan ở nơi Dương thế này và điều đặc biệt ở đây là nó rất gần gũi với nhãn quan của chính quyền Hà Nội hiện nay!

Còn nữa, cũng trong hội nghị này “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng còn nói về trường hợp đi tìm mộ một nhà sư ở chùa Vua, phố Thịnh Yên (Hà Nội?), bị người dân ở đó làm nhà đè lên mộ. Trong câu chuyện mà Phan Thị Bích Hằng trao đổi với (linh hồn) nhà sư này có một số chi tiết đáng lưu ý là cuộc trò chuyện rất cụ thể, rõ ràng từng chi tiết, từ việc linh hồn vị sư nói tự giưới thiệu tên thật là Hoàng Đình Điều vốn là nghĩa quân của cụ Đề Thám rồi bị Pháp truy lùng nên phải đi tu, từng nuôi dấu cán bộ cách mạng là cụ Nguyễn Phong Sắc, bí thư xứ ủy nam kỳ, chủ tịch của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhà sư vốn là người xuất gia cho nên không muốn bách gia trăm họ phải chịu khổ cực (vì việc làm nhà lên mộ cụ) nhưng những linh hồn tự vệ đỏ của cụ Nguyễn Phong Sắc đi theo rất bất bình vì ngôi mộ của nhà sư bị dày xéo cho nên (xin trích):


Những gia đình đó đều có người bị bệnh, thần kinh điên loạn, chết bất đắc kỳ tử vì tự vệ đỏ rất bất bình, cụ Nguyễn Phong Sắc cùng về lúc đó và nói “ chúng ta đi làm cách mạng, để đấu tranh vì hòa bình giải phóng dân tộc, để lấy lại công bằng, cởi bỏ xiềng xích, áp bức nô lệ thì cớ sao những người đi làm những chuyện đó bây giờ lại phải chịu như thế này? mộ có đáng mộ của thằng ăn mày, của đứa hành khất khổng? còn quá thằng ăn mày, đứa hành khất….


Một lần nữa chúng ta lại được thấy thế giới người Âm của Phan Thị Bích Hằng rất trần tục, rất Việt nam và đầy định kiến.

Trong một buổi lễ được mang tên lễ Trai đàn giải oan bạt độ, chẩn tế cô hồn, cầu nguyện âm siêu dương thái ở Chùa Linh Thắng huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng, ngày 24/03/2007 vừa qua, Phan Thị Bích Hằng nức nở ngẹn ngào:


…Con vô cùng xúc động vì được chứng kiến các linh hồn liệt sỹ có những người thì còn nguyên vẹn, nhưng có những người không nguyên vẹn và các chiến sỹ dắt nhau hành quân thậm chí cõng nhau về đây để dự đàn lễ cầu siêu…
(Trích http://www.mediafire.com/?5wwjruzwfjx audio Phan Thị Bích Hằng nói chuyện ở chùa Linh Thắng tháng 3, 2007).


Như vậy, theo Phan thị Bích Hằng, con người khi chết đi trong hoàn cảnh nhục xác trên Dương thế bị hủy hoại như thế nào thì linh hồn dưới Âm thế cũng bị tàn phá như vậy? sau mấy chục năm trường mà vẫn còn giữ nguyên hiện trạng?

Cũng trong buổi lễ cầu siêu này Phan Thị Bích Hằng kể (trích nguyên văn):

“…và vừa rồi chúng con đã tìm thấy được một chiến sỹ nằm ở trong buồng tắm và chiến sỹ còn nói rất vui rằng là bây giờ được đưa ra nghĩa trang thì cũng rất vui, nhưng buồn vì không được trông cho cháu Yến hàng ngày đi tắm nữa…!”


Điều này có vẻ như mâu thuẫn với những gì mà Phan Thị Bích Hằng đã nhiều lần miêu tả về khả năng xuất hiện, di chuyển “siêu nhiên” của những linh hồn ở mọi lúc, mọi nơi vì họ không hề bị trở ngại gì về không gian và thời gian.

Theo dõi các cuộc nói chuyện của Phan Thị Bích Hằng, đặc biệt trong lễ Trai đàn giải oan bạt độ, chẩn tế cô hồn này, người nghe không khỏi có cảm tưởng bị kích động khi nghe Phan Thị Bích Hằng kể lể hàng loạt tội ác của bọn Mỹ Ngụy đối với các chiến sỹ cách mạng: “…rồi có những chiến sỹ bị chôn vùi lấp ở những huyệt tập thể, rồi có những chiến sỹ bị tẩm xăng đốt như ở trong căn cứ K’ Nắc của Tây Nguyên...”

Hay những miêu tả tương tự đầy nước mắt về những ngôi mộ, những linh hồn xiêu bạt của các chiến sỹ, các tù binh chính trị trong những năm chống Pháp, chống Mỹ ở Côn đảo.
Bất cứ vì mục đích gì nhưng cuộc nói chuyện của “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng trong buổi lễ cầu siêu này bị lạc đề một cách trầm trọng, nhất là đối với hòa thượng Thích Toàn Đức, vị sư trụ trì chùa Linh Thắng, người đã nhận chức trụ trì ở ngôi chùa này từ năm 1969 dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, và như vậy hòa thượng không thể có quan niệm Địch-Ta một cách đầy thù hận như vậy được.

Những ồn ào gần đây về hiện tượng ngoại cảm như đi tìm mộ, gọi hồn, thậm chí bói dịch “cụ Hồ” được đồng loạt tung ra một cách rất có dụng ý và hiện tượng Phan Thị Bích Hằng cũng không phải là biệt lệ, như một số ví dụ về nội dung các cuộc nói chuyện vừa trưng dẫn kể trên đã cho phép chúng ta được nghi ngờ về mục tiêu đích thực ẩn chứa trong những hiện tượng ngoại cảm này. Những chi tiết được miêu tả về thế giới người Âm được các tổ chức nghiên cứu và ứng dụng về ngoại cảm (là những tổ chức chính thức được nhà nước công nhận và tài trợ ) ở trong các cuộc hội nghị vốn đầy định kiến và nó cũng được lồng thế giới quan của chính quyền hiện tại một cách khá kiên cưỡng khiến cho không ít người trong chúng ta có cảm tưởng rằng, chính quyền Hà Nội đang lợi dụng những đội quân âm binh này để sử dụng vào mục đích tuyên truyền, đánh bóng cho chế độ của mình.

Và đó chính là điều mà chúng ta cần phải cảnh giác và đánh động trước dư luận.


Tháng 5, 2007

© DCVOnline
s

No comments: