Friday, June 15, 2007

Trí thức Việt Nam dưới chế độ cộng sản

Trí thức Việt Nam dưới chế độ cộng sản

Việt Thường


“Người dân ở khu Hòa-bình – trung tâm thành phố Đà-lạt rất đỗi quen thân với hình ảnh một ông già ngoài bảy mươi, vóc người cao lớn, mái tóc bạc phơ cắt ngắn và cặp mắt sáng đầy ưu tư, ngày ngày vào một giờ nhất định thường chống can dạo bước trên hè phố. Ông bước cà nhắc từng bước khó nhọc, bởi một bên chân bị bệnh tê liệt cách đây hơn mười năm…” Đó là những giòng mở đầu một bài báo của Bùi minh Quốc, người con rể của cụ Dương quảng Hàm, đã bị khai trừ khỏi đảng cộng sản từ tháng 6-1989 vì là một nhà thơ “dám nói thật”.

Ông già bước cà nhắc đó là một nhà khoa học lớn của miền Nam Việt Nam trước đây: Nhà ngôn ngữ học kiêm dân tộc học Nguyễn bạt Tụy. Ngay từ năm 1949, ông đã nổi tiếng trong và ngoài nước khi cho in cuốn sách đầu tay mang tựa đề “Chữ và vần Việt khoa học” (năm 1959 tăng bổ thành cuốn “Ngôn ngữ học Việt Nam” – NXB Ngôn Ngữ) và một số bài báo khác.

Sau khi cộng sản Việt Nam hoàn tất việc tiếm quyền thống trị cả nước, tối ngày 4/7/1975, một phái đoàn khoa học xã hội gồm những nhà ngôn ngữ học và khảo cổ học Hà-nội đã đến thăm ông Nguyễn bạt Tụy tại Đà-lạt, sơ bộ hỏi về những công trình nghiên cứu của ông. Và, mười hai ngày sau, 16/7/1975, ông “hồ hởi, phấn khởi” viết một bức thư gửi cho Tố Hữu, lúc bấy giờ là ủy viên của bộ chính trị kiêm bí thư trung ương cộng đảng, phụ trách trưởng ban tuyên huấn trung ương, xin được giúp đỡ về hành chính, tài chính và phương tiện để đi nghiên cứu khắp nơi trên đất nước, nhất là những nơi trên miền Bắc – kèm theo bức thư ông cũng gửi cho Tố Hữu bản kê, các công trình đã và đang làm, dài gần kín 12 trang đánh máy dòng sít. ở đây chỉ tạm kê một số như:

1) Dân và ngữ ở đất Giao (hay Việt Nam), dài hơn 500 trang, công trình mười năm của tác giả với những chi tiết văn hóa vật chất và tinh thần cùng những đặc điểm về ngôn ngữ với nhiều bản đồ và hình ảnh;

2) Khảo về dân Việt ở Hoa-nam và Dân ta không phải là Việt, hai quyển đầu trong loại “tìm về nguồn”, chứa đựng những bằng chứng về sử học, nhân chủng học, cổ cốt học, dân tộc học, ngôn ngữ học, cho thấy rằng dân Việt thật sự là ai? ở đâu?

3) Phonologie Vietnamienne (ngữ âm học Việt Nam viết bằng tiếng Pháp, dày 500 trang); cuốn này có bản sao chụp do ông Nguyễn đình Hòa đã làm, còn để ở Viện Việt Học bên Mỹ;

4) Les voyelles Vietnamiennes, études synchroniques et dichroniques, viết bằng tiếng Pháp, năm 1960, và cũng để ở bên Pháp;

5) NOA recherches linguistiques en Giaolande (ou Vietnam), viết bằng tiếng Pháp, trình bày những biến chuyển tư tưởng của tác giả qua hơn hai mươi năm suy tư về ngôn ngữ, trong mọi ngành ngữ âm, ngữ nghĩa, văn phạm, văn phong, nhất là sự phát minh ra “thuyết độ tiếp xúc” (théorie du degré de contact) mà tác giả tin rằng sẽ làm đảo lộn tất cả các thuyết ngôn ngữ trên thế giới và chứng tỏ giá trị bấp bênh của mọi công trình nghiên cứu trước đây.

Ông Nguyễn bạt Tụy cũng còn định viết những tác phẩm bằng tiếng Anh cho dễ phổ biến, chủ yếu là cuốn “New Principles of Phonogy” (Những nguyên lý mới của ngữ âm học) nhằm chống lại Trubetzkoy, tác giả cuốn sách nổi tiếng mang tựa đề là “Principes de Phonologie”.

Những công trình nghiên cứu của ông Nguyễn bạt Tụy vừa lớn vừa phong phú. Đó là tài sản trí tuệ quý báu của dân tộc Việt Nam cũng như của thế giới. Thế nhưng lá thư của ông gửi cho Tố Hữu đến nay đã mười bảy (17) năm mà vẫn không có hồi âm. Ông đã gõ đúng cửa, bởi Tố Hữu là giới chức chóp bu của cộng sản Việt Nam được công khai là người chịu trách nhiệm lãnh đạo nền khoa học xã hội, văn học và nghệ thuật. Trong bộ máy hành pháp, Tố Hữu còn giữ chức phó thủ tướng thứ nhất, phụ trách thường trực Hội đồng chính phủ và đến nay còn giữ chức tổng thư ký ủy ban chiến lược của đảng (cộng sản).

Ông Nguyễn bạt Tụy không phải là người đầu tiên bị giới chức cộng sản cầm quyền đóng chặt cánh cửa đường vào khoa học. Trước ông, đã có hằng hà sa số trí thức bị ngược đãi hoặc bị thủ tiêu.

Ngay từ những năm 1945-46, cộng sản Việt Nam đã cho giết hầu hết các sinh viên ngành y, ngành luật, tạm thời rời mái trường đại học để học lớp quân chính do Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức ở Yên-bái (Bắc Việt Nam). Năm 1949, người trí thức đầu tiên bị cộng sản thủ tiêu là bác sỹ Thinh, giám đốc quân y viện liên khu X. Từ cuối năm 1951, tập thể trí thức sống dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Hồ chí Minh phải chịu những đòn tẩy não đầu tiên trong các đợt gọi là “chỉnh huấn” mà nội dung chính là trấn áp về tư tưởng, khiến trí thức phải thừa nhận là “tầng lớp công dân dễ giao động, chịu ơn huệ của thực dân, có nhiều gắn bó với địa chủ, phong kiến hoặc tư sản (mại bản)” cho nên cần thiết phải được “cải tạo lại bằng lao động chân tay về hành động và phải tuyệt đối đầu hàng giai cấp vô sản (tức đảng), tuyệt đối phục vụ trung thành sự nghiệp của giai cấp vô sản (tức đảng cộng sản)”.

Hầu hết trí thức Việt Nam đều có lòng yêu nước nồng nàn nên đã bỏ cuộc sống đầy tiện nghi vật chất đi theo chính phủ Liên hiệp Kháng chiến chống thực dân Pháp, hệt như nhân dân Việt Nam lúc đó, tự tay đốt phá nhà mình thực hiện khẩu hiệu “tiêu thổ kháng chiến”. Toàn dân Việt Nam, trong đó có tầng lớp trí thức, chưa bao giờ có thực tế lịch sử làm kinh nghiệm nên không lường được sử phản bội, trí trá của giới chức cộng sản.

Cho đến nay, không ít người, cả Việt Nam lẫn nước ngoài, còn có nhận thức rằng những sai lầm của cộng sản ở Việt Nam, trong đó có chính sách đối với trí thức, là do sai phạm của cá nhân lãnh đạo của hoặc Trường Chinh hoặc Lê Duẩn. Cách nhìn mà những người đó coi là “khách quan” chính là vốn hiểu biết nghèo nàn về cuộc sống thực tế của thân phận người dân (loại có trăn trở) dưới ách thống trị của nhà cầm quyền cộng sản.

Dưới chế độ cộng sản, trí thức là mục tiêu hàng đầu bị đàn áp, thường xuyên bị khủng bố và bị hạ nhục. Một số trí thức nào đó được sử dụng và đã được thuần hóa nhưng vẫn bị nghi kỵ nên thường xuyên bị giám sát tư tưởng và hầu hết bị “quản thúc” cho đến chết theo cách “rất đặc thù” của thế giới cộng sản. Cách đối xử với trí thức là đường lối cố hữu của nhà cầm quyền cộng sản từ Xô-viết Nghệ-tĩnh (1930-31) với khẩu hiệu:

“Trí, phú, địa, hào

Đào tận gốc, trốc tận rễ”.

Sau này, Hồ chí Minh láu cá hơn nhóm Nguyễn phong Sắc, lãnh đạo của Xô-viết Nghệ-tĩnh, không nói huỵch toẹt nôm na như vậy mà dùng những uyển ngữ bọc đường là: cách mạng văn hóa và tư tưởng (trí) với các phong trào “chỉnh huấn mùa xuân” và “trăm hoa đua nở”; cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (phú); cải cách ruộng đất (địa), và chấn chỉnh tổ chức (hào). Và, quả rằng với sự lãnh đạo của giới chức cầm quyền cộng sản mở đầu bằng Hồ chí Minh, cho đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn thực thi đường lối nhất quán đó và đã thành công trong việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” các giai tầng trí, phú, địa, hào của xã hội Việt Nam, ở phiá Bắc từ thập niên 1950 trở đi và ở miền Nam từ sau tháng 4-1975 đến nay. Ngay trong đảng viên, ngoại trừ một số rất ít được cho một chỗ đứng nào đó, còn phần lớn không có quyền lực thực sự. Họ chỉ là những viên chức được tin cậy hơn trong phần chuyên môn nhằm giúp lãnh đạo kiểm tra công việc chuyên môn chứ không phải để vạch ra đường lối, chính sách. Trong nhiều trường hợp họ được dùng theo kiểu đối phó với xu thế của thời đại nhằm tô điểm cho bộ mặt chế độ cộng sản cái hình thức bên ngoài mà thôi.

Trong “chính phủ” Hồ chí Minh, có một số trí thức tham chính như tiến sỹ văn chương Nguyễn văn Huyên, bộ trưởng bộ giáo dục; Kỹ sư Trần đăng Khoa, bộ trưởng giao thông và bưu điện; luật sư Phan Anh, bộ trưởng bộ ngoại thương; giáo sư Hoàng minh Giám, bộ trưởng bộ văn hóa; bác sỹ Phạm ngọc Thạch, bộ trưởng y tế; giáo sư Tạ quang Bửu, chủ nhiệm ủy ban khoa học và trung học chuyên nghiệp; ông Phạm ngọc Thuần, chủ nhiệm ủy ban văn hóa đối ngoại; kỹ sư Nghiêm xuân Yêm, bộ trưỏng bộ nông nghiệp; kỹ sư Kha vạng Cân, bộ trưởng bộ công nghiệp nhẹ; luật sư Vũ đình Hòe, bộ trưởng bộ tư pháp; luật gia Phạm văn Bạch, chánh án tòa án tối cao; giáo sư thạc sỹ Hồ đắc Dzi, giám đốc trường đại học y khoa Hà-nội; luật sư Nguyễn mạnh Tường, chủ tịch hội luật gia Việt Nam; giáo sư bác sỹ Trần hữu Tước, giám đốc bệnh việc Bạch-mai (bênh viện đầu ngành y của Bắc Việt Nam).

Rõ ràng danh chính ngôn thuận là có chức vụ đấy, nhưng số phận của những trí thức tham chính với cộng sản ra sao?

- Tiến sỹ bộ trưởng Nguyễn văn Huyên viết báo cáo, đọc diễn văn hoặc tham luận ở bất cứ nơi nào cũng đều do người từ ban tổ chức trung ương cộng sản đưa về “làm thư ký riêng” cho bộ trưởng soạn hộ. Đã thế, tất cả còn phải được một trong các phó của ông ta duyệt trước, đó là Hà huy Giáp, ủy viên trung ương đảng cộng, bí thư đảng đoàn cộng sản bộ giáo dục (sau Lê Liêm thay thế); Võ thuần Nho, thứ trưởng, ủy viên đảng đoàn (em ruột tướng Võ nguyên Giáp) và Hồ Trúc, thứ trưởng, ủy viên đảng đoàn. Ông tiến sỹ Nguyễn văn Huyên chấp nhận thân phận bù nhìn ngồi trên ghế bộ trưởng giáo dục. Lê Liêm, là dự khuyết trung ương cộng sản, vướng vào vụ “xét lại” nên bị thuyên chuyển từ bộ văn hóa về giáo dục và tuy là bí thư đảng đoàn nhưng quyền lực lại thuộc về Võ thuần Nho, xuất thân từ một giáo viên tiểu học, đã bê bối trong vụ sửa lại học bạ cho con trai để đi học nước ngoài. Hồ Trúc, học vấn lèm nhèm, nguyên là ủy viên ban bí thư đoàn thanh niên lao động (tức cộng sản). Người ta biết đến Hồ Trúc nhờ câu chuyện tiếp phái đoàn văn hóa giáo dục của Pháp, trong bữa tiệc tiếp tân, Hồ Trúc đã gắp món ăn nộm sứa (món ăn độc đáo của Bắc Việt Nam) cho lên mồm cắn một miếng rồi thản nhiên bỏ chỗ thừa vào đĩa thức ăn chung và hỉ hả nói với khách “ngon lắm, ngon lắm!” Cho nên dân Hà-nội có câu về bộ giáo dục như sau:

“Buồn thay Huyên cỗi, Nho già

Phất phơ khóm Trúc, la đà cành Lê!” (tức Lê Liêm)

- Kỹ sư Trần đăng Khoa tuy là bộ trưởng giao thông và bưu điện nhưng mọi quyền quyết định do các thứ trưởng của ông ta là Nguyễn hữu Mai, ủy viên dự khuyết trung ương kiêm bí thư đảng đoàn và thứ trưởng Hồng xích Tâm, ủy viên đảng đoàn xuất thân từ một phu xe kéo (pouse-pouse). Cái ông thứ trưởng Hồng xích Tâm này đã can tội cưỡng dâm cô y tá trẻ ở bệnh viện Việt-Xô khi đi nằm dưỡng bệnh. Khi thứ trưởng Nguyễn hữu Mai đi vắng, bộ trưởng Trần đăng Khoa vẫn phải vào tận giường bệnh của Hồng xích Tâm để “xin chỉ thị”. Trong bộ giao thông và bưu điện của kỹ sư Trần đăng Khoa cũng còn một trường hợp nữa, đó là kỹ sư Ngô huy Văn, ủy viên dự khuyết trung ương đảng Xã hội Việt Nam, tổng cục phó kiêm cục trưởng cục điện chính của tổng cục bưu điện, khi học chính trị ở cơ quan, bị xếp học chung lớp với lao công (quét rác và làm vệ sinh nhà cầu) và lái xe (tài xế ô-tô). Tuy không được quyết định cái gì dù nhỏ hay lớn, nhưng trong vụ vỡ đê Mai-lâm (đường cống), kỹ sư Trần đăng Khoa vẫn phải giơ đầu (dù là bù nhìn) chịu báng và bị huyền chức. Do chịu im lặng nhận cái tội không phải của mình nên sau ít lâu, kỹ sư Trần đăng Khoa được cho làm phó tổng thư ký đảng Dân chủ Việt Nam kiêm giữ chức phó chủ tịch quốc hội. Tuy giữ những chức vụ nghe thì có tiếng đấy, nhưng nhất cử nhất động đều phải xin chỉ thị của đại diện của đảng cộng sản nằm trong trung ương của đảng Dân chủ, lúc đầu là Phạm Hồng. Khi Phạm Hồng sang giữ chức phó chủ nhiệm ủy ban văn hóa đối ngoại thì có Nguyễn việt Nam thay thế. Sau tháng 4-1975, Nguyễn việt Nam vào Nam giữ chức chủ tịch hội đồng nhân dân Sài-gòn thì lại phải bẩm báo với Phạm tuấn Khánh, tổng cục phó tổng cục thông tin.

- Kỹ sư Nghiêm xuân Yêm, bộ trưởng bộ nông nghiệp, đồng thời sau khi nhóm lãnh đạo “bất kham” của đảng Dân chủ là tổng thư ký Dương đức Hiền, các ủy viên trung ương Hoàng văn Đức và Đỗ đức Dục (còn là thứ trưởng bộ văn hóa) bị thanh trừng, đã được cho giữ chức tổng thư ký đảng Dân chủ thay Dương đức Hiền. Về công tác của đảng Dân chủ, kỹ sư Nghiêm xuân Yêm cũng phải xin chỉ thị của Phạm Hồng, Nguyễn việt Nam, Phạm tuấn Khánh như kỹ sư Trần đăng Khoa. Còn về chuyên môn nông nghiệp thì dù là kỹ sư nông nghiệp nhưng vẫn phải xin ý kiến về mọi mặt của Hoàng Anh, bí thư trung ương cộng đảng kiêm phó thủ tướng chính phủ. Nhân vật này xuất thân là dân nghèo thành thị, nghĩa là chẳng biết nghề nông cũng chẳng biết gì về công, thương hay thủ công nghiệp. Cho nên mới có chuyện bí thư trung ương cộng đảng kiêm phó thủ tướng Hoàng Anh đã triệu tập một cuộc họp toàn quốc (tức miền Bắc Việt Nam) về nông và lâm nghiệp, có đủ mặt chức sắc các tỉnh, khu, các nhà khoa bảng về nông lâm học và đương nhiên có mặt cả kỹ sư nông nghiệp Bộ trưởng nông nghiệp Nghiêm xuân Yêm. Hoàn Anh phổ biến “sáng kiến vĩ đại” của hắn ta là phủ kín các đồi núi hoang hóa vùng Tây Bắc và Việt Bắc bằng cách trồng chuối. Bực mình vì sự ngu xuẩn về kiến thức đó của Hoàng Anh mà học sinh cấp 2 phổ thông cũng hiểu được, tiến sỹ lâm học Thái văn Trừng (tác giả cuốn sách nổi tiếng: “Về hệ thảm thực vật ở Việt Nam) đã phát biểu ý kiến rằng cấu tạo bộ rễ của cây chuối không cho nó sống được trên đồi trọc ở Tây Bắc và Việt Bắc. Tất nhiên là kỹ sư nông nghiệp Nghiêm xuân Yêm, giữ thái độ yên lặng, có nghĩa là tuân lệnh của Hoàng Anh. Vì thế, Hoàng Anh đã nổi giận chỉ tay vào mặt tiến sỹ Thái văn Trừng mắng ở giữa hội nghị, đại ý: “Anh tưởng anh là ai mà làm nguội nhiệt huyết cách mạng dám làm, dám nghĩ của đảng, của giai cấp vô sản. Chỉ có đảng lãnh đạo thì cái gì cũng có thể làm được. Trí thức các anh chỉ là lũ hoang mang, giao động trước các trào lưu cách mạng…” Và, sau hội nghị (phản khoa học) đó, các tỉnh, các ngành, các giới được lệnh huy động tiền, dân công đi trồng chuối ở các đồi trọc vùng Tây Bắc và Việt Bắc. Không kể tiền quyên góp bằng cách cưỡng bức, không kể biết bao dân công được huy động đi sưu, làm không công, cũng như cán bộ, công nhân viên và bộ đội, ngân sách nhà nước phải chi tiêu hàng trăm triệu vào cái “sáng kiến quái gỡ” đó của Hoàng Anh. Kết quả là chỉ sau 3 ngày đêm, toàn bộ chuối được trồng chết hết. (Cần lưu ý: lương một bác sỹ y khoa mới ra trường là 48 đồng một tháng, sau 2 năm thâm niên mới được 60 đồng/tháng). Tiến sỹ Thái văn Trừng chẳng được một lời xin lỗi. Còn Hoàng Anh, vẫn cứ là bí thư trung ương đảng kiêm phó thủ tướng, thôi làm công tác nông nghiệp mà sang kiêm nhiệm bộ trưởng bộ tài chính! Và, kỹ sư Nghiêm xuân Yêm, do đã được thuần hóa, biết tôn trọng “ý kiến ngu xuẩn” của đảng nên được thăng lên chức bộ trưởng phụ trách khoa học và kỹ thuật nông nghiệp!!!

- Luật sư Phan Anh tuy là bộ trưởng ngoại thương, nhưng mọi việc đều phải xin ý kiến của hai thứ trưởng của mình là Lý Ban, ủy viên dự khuyết trung ương, bí thư đảng đoàn bộ ngoại thương, và Nguyễn văn Đào, ủy viên đảng đoàn bộ ngoại thương.

- ở ủy ban văn hóa đối ngoại tuy chủ nhiệm là học giả Phạm ngọc Thuần (anh của nhân vật cộng sản nằm vùng ở miền Nam là đại tá Phạm ngọc Thảo), lại có bác sỹ Nguyễn khắc Viện phụ trách tập san études Vietnamiennes và tuần báo Courriers du Vietnam, nhưng cả hai trí thức này đều phải bẩm báo với Phạm Hồng là bí thư đảng đoàn ủy ban. Nhân vật này khó khăn lắm mới học xong lớp 4 bổ túc văn hóa, không thèm biết một thứ ngoại ngữ nào, nếu có tự viết báo cáo, chỉ thị thì theo kiểu: “run tay thì phẩy, mỏi tay thì chấm và phải suy nghĩ thì xuống hàng.”


- Giáo sư Hoàng minh Giám, mà trong sách của Jean Sainteny cũng như của các người nước ngoài, đánh giá là nhân vật cứng rắn, năng nổ, môn đồ thân cận của Hồ chí Minh, là phó tổng chư ký đảng Xã hội Việt Nam. Trong chính phủ Liên hiệp của những năm 45-46, đúng là giáo sư Hoàng minh Chính được Hồ chí Minh tận lực lợi dụng. Nhưng khi đã nắm được trọn vẹn binh quyền bằng lừa đảo, lật lọng, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho giáo sư Hoàng Minh Giám giữ ghế bộ trưởng văn hóa chỉ để làm cái mồi câu. Mọi quyền lực thực sự nằm trong tay bộ ba thứ trưởng văn hóa là: thiếu tướng Lê Liêm (từng là chủ nhiệm tổng cục chính trị bên quân đội trước đại tướng Nguyễn chí Thanh) ủy viên dự khuyết trung ương, bí thư đảng đoàn (sau chuyển qua bộ giáo dục và Hà huy Giáp ở bộ giáo dục về thay vào chức vụ này); Nguyễn đức Quỳ, thường trực đảng đoàn, và Mai Vi, ủy viên đảng đoàn, xuất thân là trưởng ty công an tỉnh Yên-bái. Sau tháng 4-1975, giáo sư Nguyễn văn Hiếu giữ chức bộ trưởng văn hóa nhưng thực quyền trong tay trung tướng Trần Độ, ủy viên trung ương đảng, thứ trưởng văn hóa, trưởng ban cán sự đảng (một dạng thức của đảng đoàn cộng sản ở cấp ủy ban, bộ và cơ quan ngang bộ).

- Kỹ sư Kha vạng Cân tuy được là bộ trưởng bộ công nghiệp nhẹ, nhưng quyền hành hoàn toàn trong tay viên thứ trưởng Ngô minh Loan, ủy viên trung ương dự khuyết, bí thư đảng đoàn, xuất thân từ bên quân đội với cấp bậc thiếu tướng. Có một thời kỳ là thứ trưởng bộ công an và là người trong những năm 1945-46 đã chỉ đạo cho quân Việt Minh (cộng sản) đánh tỉnh lỵ Yên-bái do Việt Nam Quốc Dân Đảng quản lý, đã lừa đảo trong vụ gọi là liên hiệp ở Yên-bái với Việt Nam QDĐ, họp mặt với tư lệnh quân sự của Việt Nam QDĐ ở Yên-bái là ông Nguyễn văn Vĩnh, đập cốc ăn thề ở bungalow tỉnh lỵ lúc chiều thì đến đêm lén đánh úp khiến ông Vĩnh phải tự tử không chịu đầu hàng. Hầu hết lực lượng quân sự của Việt Nam QDĐ ở Yên-bái bị Ngô minh Loan cho giết hết kể cả trường sĩ quan lục quân, một số ít chạy thoát lên Lao-cai nhập với tư lệnh Triệu việt Hưng (của VNQDĐ).


- Trong bộ y tế, bác sỹ Phạm ngọc Thạch, một đảng viên lâu năm, tuy giữ ghế bộ trưởng nhưng bị kèm cặp bởi ủy viên dự khuyết trung ương Đinh thị Cẩn, bí thư đảng đoàn kiêm thứ trưởng thứ nhất bộ y tế. Mụ này trình độ văn hóa mới đến lớp 4, nhưng vì đã từng là cấp dưỡng (đầu bếp riêng) của Hồ chí Minh nên văn hóa kém như vậy vẫn được ngồi trên đầu tất cả các giáo sư, bác sỹ v.v… của ngành y. Cùng chia quyền với Đinh thị Cẩn để o ép bác sỹ bộ trưởng y tế còn có thứ trưởng Hoàng đình Cầu, ủy viên đảng đoàn, xuât thân từ y tá bên quân đội, được đi học đại học y khoa về ngành “phong trào” (nghĩa là tổ chức hệ thống y tế). Nhục nhã vì bị “kẻ ít học” không chế nên bác sỹ Phạm ngọc Thạch xin phép Hồ chí Minh đi Nam công tác (tức đi B). Truyện hậu đài lộ rằng khi chia tay từ biệt bác sỹ Thạch, Hồ chí Minh đã khóc (?). Và, ít lâu sau thì có tin bác sỹ Phạm ngọc Thạch bị chết vì bom B52 của Mỹ. Còn tin lan truyền trong số miền Nam (không có khu 5) tập kết thì bác sỹ Thạch bị bắn từ sau ót có lẽ vì “họ” (giới lãnh đạo cộng sản) sợ bác sỹ Thạch “dinh tê” vào Sài-gòn. Lễ truy điệu bác sỹ Thạch được phe miền Nam tổ chức rầm rộ. Tượng bán thân của bác sỹ Thạch được đắp to như tượng Hồ chí Minh. Cánh miền Nam phẫn uất cho rằng “lỗi” là do Đinh thị Cẩn. Cuối cùng một nhân nhượng với phe miền Nam tập kết rất là “đặc thù cộng sản”: bộ y tế được chia thành hai (cả nhân sự lẫn cơ sở vật chất). Một nửa vẫn là bộ y tế, nửa còn lại nâng lên cấp ủy ban (cao hơn bộ) gọi là ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em, đích thân Phạm văn Đồng, thủ tướng kiêm nhiệm chức chủ nhiệm ủy ban và Đinh thị Cẩn là phó chủ nhiệm ủy ban phụ trách thường trực!

Cũng trong cái ngành y này, giáo sư thạc sỹ y khoa Hồ đắc Dzi được giữ chức giám đốc trường đại học Hà-nội, nhưng trong một cuộc họp, ông đã uất ức nói lên một câu nổi tiếng để tóm tắt thân phận trí thức dưới chế độ cộng sản: “Tôi là chính quyền (giám đốc) nhưng quyền chính ở trong tay anh Chữ!” (Nguyễn xuân Chữ, không có bằng cấp gì, giữ chức bí thư đảng ủy trường đại học y khoa Hà-nội).

ở bệnh viện Bạch-mai, bệnh viện đầu ngành y của cả miền Bắc Việt Nam, giáo sư bác sỹ Trần hữu Tước, là một chuyên gia nổi tiếng về khoa tai, mũi, họng ở Pháp, khi theo về với nhà cầm quyền Hồ chí Minh, đã được phong danh hiệu “anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa”, là đại biểu quốc hội, giữ chức giám đốc bệnh viện. Ngoài ra còn nhiều giáo sư, bác sỹ nổi tiếng trong và ngoài nước như giáo sư Đặng văn Chung, giáo sư Đặng vũ Hỷ v.v… Nhưng tất cả đều theo lệnh của phó giám đốc phụ trách tổ chức, hành chính kiêm bí thư đảng ủy, tên là Quyết, một người không thèm học để có một loại bằng cấp gì. Điều trái khuấy và trong bất kể một ca khẩu thuật thành công nào khi báo, đài đưa tin phải theo công thức: “Do quyết tâm của đảng ủy và được sự động viên ân cần, xít xao nên tập thể bác sỹ, y tá đã thành công trong ca mổ…” Như thế có nghĩa là đảng quyết định còn tài năng kiến thức cá nhân của người trí thức đã bị phủ nhận trong cái khái niệm “tập thể” vừa mơ hồ vừa bao la.

Ngay ở Sài-gòn mới đây, trong vụ mổ ca song sinh dính nhau ở bệnh viện Việt-Đức, bác sỹ Trần đông A (bác sỹ cũ của chế độ Sài-gòn) đã thực hiện xuất sắc việc phẩu thuật, nhưng vẫn bị coi là không đủ tiêu chuẩn nhận danh hiệu “thầy thuốc nhân dân”!

Những trí thức dám nói dù chỉ một phần sự thật đều bị đàn áp thẳng tay như chủ tịch hội luật gia Nguyễn mạnh Tường, bộ trưởng tư pháp Vũ đình Hòe, thứ trưởng văn hóa Đỗ đức Dục bị huyền chức. Giáo sư Trương Tửu phải đi làm nghề châm cứu; giáo sư thạc sỹ triết học Trần đức Thảo bị đưa đi chăn bò ở nông trường Ba-vì để cải tạo tư tưởng; giáo sư tiến sỹ toán lý Vũ như Canh không được dùng; các học giả Đào duy Anh, Cao xuân Huy không được một sự giúp đỡ nào. Số văn nghệ sỹ, sinh viên… trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm bị cải tạo lao động, bị hạ nhục như nhà thơ Lê Đạt phải làm nghề dán bao bì, buôn giấy báo cũ ở phố Lãn Ông; Hoàng Cầm bị tù đi tù lại; Hữu Loan phải làm nghề xe thồ ở Thanh-hóa; Trần Dần ngồi bán mấy cuốn sách cũ ở túp lều đầu phố Khâm-thiên (Hà-nội); Nguyễn Bính chết héo hon ở nơi bị quản thúc (Nam-định); nhạc sỹ Văn Cao phải vẽ nhãn hàng hoặc hý họa cho các báo; Nguyễn Dậu làm nghề hớt tóc ở vĩa hè phố Hàng Dầu (Hà-nội); nhạc sỹ Tử Phác chết trong cảnh nghèo nàn ở phố Hàng Giấy (Hà-nội); các nhạc sỹ Hoàng Giác và anh ruột là Hoàng Kim cũng thế v.v… kể không thể hết được.

Một điều mà mọi người cần thấy được là tất cả những sự việc trên đều xảy ra vào lúc mà Hồ chí Minh còn sống khỏe mạnh, còn nắm các chức vụ chóp bu của đảng và nhà nước; chủ tịch nước kiêm thủ tướng chính phủ, chủ tịch đảng kiêm tổng bí thư đảng. Sau khi Hồ chí Minh chết, cũng như ngay lúc hắn còn sống, những người bị coi là “trực tiếp chỉ đạo 4 cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng, cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và chấn chỉnh tổ chức, nghĩa là 4 mục tiêu đồng dạng với khẩu hiệu của Xô-viết Nghệ-tĩnh:

“Trí, phú, địa, hào

Đào tận gốc, trốc tận rễ”


vẫn thăng tiến trong cái tôn ti trật tự của hệ thống “vua quan xã hội chủ nghĩa”, đó là:

- Trường Chinh: kẻ vừa bị coi là trực tiếp chịu trách nhiệm về cách mạng văn hóa tư tưởng lẫn cải cách ruộng đất, nghĩa là làm cái việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” giai tầng trí thức và địa chủ (tức người có vốn, có kinh nghiệm tổ chức sản xuất nông nghiệp) ở nước ta, vẫn cứ là nhân vật số 2 trong đảng (sau Lê Duẩn), là chủ tịch quốc hội, là chủ tịch nước, quay lại làm tổng bí thư đảng (trở lại nhân vật số 1 của đảng) và là cố vấn tối cao của đảng cho đến chết… Các trợ lý khác của Trường Chinh như Tố Hữu trong cách mạng văn hóa và tư tưởng thì từ ủy viên dự khuyết trung ương, phó ban tuyên huấn trung ương nhảy lên ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư trung ương, trưởng ban tuyên huấn trung ương, phó thủ tướng thứ nhất phụ trách thường trực thường vụ hội đồng chính phủ, rồi làm tổng thư ký ủy ban chiến lược của đảng. Những đệ tử ruột của Tố Hữu trong việc dẹp phong trào Nhân văn – Giai phẩm đều thăng quan tiến chức cho đến nay như Cù huy Cận, chủ tịch ủy ban liên hợp văn học nghệ thuật; Xuân Diệu, viện sỹ thông tấn viện hàn lâm văn học (của Đông Đức); Vũ đức Phúc, từ anh giáo viên trung học phổ thông ở Gia-lâm nhảy lên ghế viện phó Viện văn học; Vũ Khiêu, từ một giáo viên tiểu học ở thị xã Lạng-sơn lên vụ trưởng Vụ mỹ học Marx-Lénine; Lưu trọng Lư giữ vụ trưởng Vụ sân khấu (trước Mai Vi); Phạm đình Sáu, vụ trưởng Vụ ca múa (thay Lưu hữu Phước đi Nam); tổng thư ký Hội nhà văn Nguyễn đình Thi và phó tổng thư ký Nguyễn Khải (người đã đem chuyện của bố đẻ và họ hàng lên sân khấu để chửi giai cấp xuất thân của mình – thật là cơ hội bỉ ổi); Trần Hoàn, từ ở Sở văn hóa Hải-phòng nay là bộ trưởng văn hóa; Phan Quang, người luôn xách cặp theo hầu Tố Hữu, nay là tổng thư ký Hội nhà báo; Huy Thành, một đạo diễn điện ảnh trung cấp không có gì xuất sắc, nay thành phó tổng thư ký hội điện ảnh, nghệ sỹ ưu tú; Nguyễn thụ Thành cục trưởng Cục điện ảnh. Các môn đệ khác cũng lên như diều như Hồng Hà, nay là bí thư trung ương, trưởng ban đối ngoại trung ương (xếp của bộ trưởng ngoại giao Nguyễn mạnh Cầm); Xuân Trường làm Tổng biên tập tạp chí lý luận cộng sản; Phạm như Cương, chủ nhiệm ủy ban khoa học xã hội; đặc biệt Đào duy Tùng và Nguyễn đức Bình còn là ủy viên bộ chính trị. Trợ lý của Trường Chinh trong cải cách ruộng đất là Hoàng quốc Việt, Hồ viết Thắng và Nguyễn đức Tâm thì Hoàng quốc Việt, tuy không còn là ủy viên dự khuyết bộ chính trị nhưng vẫn là ủy viên trung ương. Trưởng ban dân vận trung ương kiêm chủ tịch tổng công đoàn, viện trưởng viện kiểm sát tối cao, bí thư đảng đoàn Mặt trận tổ quốc, bí thư đảng đoàn của 3 cơ quan tư pháp là Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao và Hội luật gia! Hồ viết Thắng thôi là ủy viên trung ương đảng, nhưng chỉ ít lâu sau lại ra nắm ghế bộ trưởng kiêm bí thư đảng đoàn bộ lương thực và thực phẩm. Còn Nguyễn đức Tâm, phó của Hồ viết Thắng, lui về làm Tổng cục trưởng tổng cục vật tư rồi chuyển ra làm bí thư tỉnh ủy Quảng-ninh, đến đại hội 6 cộng đảng leo lên ghế ủy viên bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương – một chức vụ đầy quyền lực.


- Lê văn Lương: ủy viên dự khuyết bộ chính trị, trưởng ban tổ chức trung ương (khi đó Lê đức Thọ là phó của Lê văn Lương) được Hồ chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo cuộc “chấn chỉnh tổ chức”, nghĩa là “đào tận gốc, trốc tận rễ” giai tầng “hào” trong xã hội Việt Nam, tức là những người làm nhiệm vụ quản lý và có kinh nghiệm quản lý xã hội về mặt hành chánh. Đây là cuộc thanh lọc lại sau mẻ lưới của “cải cách ruộng đất” nhằm thanh toán bằng hết theo phương pháp “sai còn hơn sót” tất cả những nhân sỹ, tổ chức tôn giáo và đảng phái không phải là cộng sản đã cộng tác “hòa hợp, hòa giải” với Hồ chí Minh để tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó cũng kết hợp thanh toán những đảng viên cộng sản “lương thiện” nghĩa là những người gia nhập đảng cộng sản vì tưởng nhầm đảng cộng sản thực lòng xây dựng một nước “Việt Nam hòa bình, trung lập, độc lập, tự do, hạnh phúc và phú cường”, nhất là những người có uy tín với dân chúng ở địa phương trong quá trình kháng chiến chống Pháp. Cuộc “chấn chỉnh tổ chức” đã giết và bỏ tù gần hai chục vạn đảng viên, cán bộ có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có cả sỹ quan quân đội, các cấp chủ tịch tỉnh, tỉnh ủy viên và khu ủy viên như anh hùng quân đội trong trận Điện-biên-phủ, trung tá Nguyễn quốc Trị; thiếu tướng Vương thừa Vũ, chủ tịch ủy ban quân quản Hà-nội sau 7-1954; thiếu tướng Thiết Hùng bị cho đi làm đại sứ ở Bắc Triều-tiên; trung tá Lộc Giang, trung đoàn trưởng trung đoàn Lao-Hà-Yên (tức Lao-cai, Hà-giang, Yên-bái) về vườn; trung tướng Nguyễn Sơn, tư lệnh khu 4, bị quản thúc ở bệnh viện 308, sau sang bệnh viện Việt-Xô cho đến chết; chủ tịch Phú-thọ Nguyễn hữu Chỉnh cho về dạy học ở trường kinh tế – tài chính; xử tử bí thư tỉnh ủy Phú-thọ Nguyễn văn Nguyên, người đã trực tiếp giết hầu hết học viên khóa sỹ quan lục quân của Việt Nam QDĐ còn sót lại ở Lao-cai, chỉ vì trước đó Nguyễn văn Nguyên đã gia nhập Việt Nam QDĐ trước khi gia nhập cộng sản. Nguyễn văn Nguyên bị bắn chết ít lâu thì Hồ chí Minh ký lệnh cho phục hồi đảng tịch và “truy điệu là liệt sỹ” v.v… (nhân dân Phú-thọ cho Nguyễn văn Nguyên bị Hồ chí Minh cho bắn chết là quả báo và người ta kinh tởm thủ đoạn của Hồ chí Minh). Trong “chấn chỉnh tổ chức”, các đảng viên Dân chủ và Xã hội bị triệt hạ, các hộ dân xưa kia có xu hướng hoặc có liên quan xa gần với Việt Nam QDĐ, Đại Việt v.v… hoặc hoạt động hội đoàn tôn giáo, nhất là công giáo đều bị bắt giết, bỏ tù. Kết thúc bằng lệnh của Hồ chí Minh không cho các đảng Dân chủ và Xã hội được kết nạp đảng viên mới, không có công tác kinh tài riêng và cả hai đảng đều có một chi bộ cộng sản nằm ngay trong trung ương lãnh đạo mọi mặt, kể cả hai tờ tuần báo Độc-lập và Tổ-quốc. Sau đại hội 6 cộng đảng thì hai đảng Dân chủ và Xã hội cũng như hai tờ báo bị giải tán.


Sau “thành công” của “chấn chỉnh tổ chức” nhờ tiêu diệt gần hai chục vạn cán bộ, đảng viên v.v… Lê văn Lương “bị kỷ luật” và thôi là ủy viên dự khuyết bộ chính trị, chỉ còn là ủy viên dự khuyết trung ương, phó ban tổ chức trung ương (dưới Lê đức Thọ). Nhưng chỉ đến đại hội 3 cộng đảng (1960), Lê văn Lương được đưa vào ủy viên thường trực ban bí thư trung ương kiêm phó ban thường trực ban tổ chức trung ương. Hai nhân vật có công giúp Lê văn Lương cày nát nhân sự ở khu 4 là Ngô Thuyền và Võ thúc Đồng cũng được vào trung ương chính thức, giữ các chức bí thư tỉnh ủy Thanh-hóa và Nghệ-an, vì có công bỏ tù và giết gần 5 vạn người ở khu 4. Trong việc này, trung tá Đồng sĩ Nguyên (tức Nguyễn văn Đổng) có công đem lính tàn sát đồng bào công giáo ở Ba-làng cà già, trẻ, phụ nữ có thai đã lên quan như diều tới cấp trung tướng, ủy viên bộ chính trị, phó thủ tướng. Đại hội 4 cộng đảng thì Lê văn Lương vào ủy viên chính thức của bộ chính trị.


- Đỗ Mười: sau năm 1954, với chức vụ bí thư thành ủy Hải-phòng và khu Hồng-quảng (Hồng-gai và Quảng-yên) đã có sáng kiến dựng ra vụ gián điệp của Pháp ở mỏ than Cẩm-phả mà không cần tang chứng, tử hình ngay tội nhân để “khủng bố” tinh thần “giai cấp công nhân” ở mỏ, cũng như thành tích trấn áp giáo dân và nhân dân trong cái gọi là phám phá ra “các tổ chức phản động cưỡng bức di cư” ở Hải-phòng – Kiến-an. Vì thế Đỗ Mười, cũng từng đeo lon thiếu tướng, được Hồ chí Minh chỉ định là trưởng ban cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh của trung ương để làm nốt cái phần “đào tận gốc, trốc tận rễ” giai tầng phú của xã hội Việt Nam, tức là những người có vốn và kinh nghiệm tổ chức sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như làm nhiệm vụ lưu thông phân phối. Sau cái “long trời, lở đất” của cải cách ruộng đất và “sửa sai” ở nông thôn, ngày nay đến lượt tất cả thành phố, thị xã, thị trấn, dù ở những miền thượng du heo hút của Bắc Việt Nam, tất cả thị dân được nếm mùi “đập nát và cứa cổ” của thứ tà giáo lấy “búa, liềm” làm tô-tem, lấy màu máu người làm “nền tảng”. Hàng triệu người bị giết, bị tù, bị đưa đi các vùng “kinh tế mới” mà không cần xét xử, cũng như hàng vạn người, kể cả tiểu thương, tiểu chủ buôn thúng bán mẹt ở các chợ, các đầu mối giao thông trên chính lộ phải tự tử vì bị “truy thu thuế lợi tức” mà Đỗ Mười cho tính từ hồi cộng sản còn chưa cướp được chính quyền, đến nỗi như ở Hà-nội, một người bán thịt bò khô ở trước quán “mụ Béo” bờ hồ Hoàn-kiếm hoặc một người nuôi một con chó berger đẻ bán chó giống phải lao đầu vào đường tàu điện tự tử; có gia đình uống thuốc độc cả nhà chết 12 người lớn nhỏ (ở phố Cao bá Quát) v.v… Tất cả đều bị cải tạo, người đạp xích-lô, người thợ hớt tóc cá thể ở đầu hè, người mua đồ đổ nát (ve chai) v.v… cũng phải cải tạo vào tổ hoặc hợp tác xã. Đảng cộng sản đã có thể kiểm soát người dân đến mọi nhu cầu từ cái kim, sợi chỉ. Việc cải tạo tư sản nhà cửa làm song song với chính sách quản lý hộ khẩu, cảnh sát đường phố, thanh niên cờ đỏ, đội phòng hỏa nhân dân, tổ hòa giải đường phố, đội vệ sinh, thanh niên cứu quốc, thiếu nhi quàng khăn đỏ, nhi đồng tháng tám, mẹ chiến sỹ, giáo viên xóa nạn mù chữ, hướng dẫn viên tập thể dục theo đài buổi sáng v.v… khiến mọi hộ dân đều bị cộng sản kiểm soát đến cả gầm giường, xó tủ, bữa ăn, thùng rác, giờ giấc sinh hoạt, quan hệ họ hàng, bè bạn cho đến cả những câu thì thầm riêng tư của vợ chồng, anh em. Không ai dám ăn ngon tý chút vì sợ hàng xóm tố cáo, con trẻ đi kể cho cảnh sát đường phố, cho đội phụ trách thiếu nhi, nhi đồng v.v… và lập tức sẽ bị đưa ra “tổ dân phố” để “mổ xẻ” xem vì có tiền ở đâu ra (sau cải tạo) mà ăn ngon và mua ở đâu những thứ mà người dân không được tiêu chuẩn do nhà nước qui định v.v… Báo Nhân dân dẫn đầu các loại báo, tuần báo, tạp chí, sách thiếu nhi, sách học ở nhà trường và đài phát thanh, đài truyên thanh cũng như các cuộc họp dân phố, thanh niên, thiếu nhi được tuyên dương vì đã “tố giác bố mẹ”, điển hình là con của nhà thuốc H.K (Hà-nội) đã tố giác chỗ bố mẹ giấu vàng, sỉ nhục mẹ là “có bạn trai” xin được đoạn tuyệt với gia đình. Cô này được kết nạp ngay tức khắc vào đoàn thanh niên lao động (cộng sản), được báo, đài ca ngợi nêu gương, được chủ tịch Hồ chí Minh khen ngợi là “thanh niên mới, xã hội chủ nghĩa”. Chỉ có điều cần lưu ý là sau đó vài năm, cô ta lấy chồng đẻ con, vất vả trong cuộc sống nhưng không hề thấy “bác Hồ” và các đồng chí trong đoàn thanh niên cũng như ”đồng chí công an đường phố” giúp đỡ mà phải quay lại để cho cha mẹ bù trì chăm sóc. Hàng xóm với nhau hoặc trong gia đình mà vợ chống, cha mẹ, anh em có chút to tiếng với nhau là lập tức “tổ hòa giải” đến làm nhiệm vụ “khêu gợi”, và thế là trong lúc nóng giận nthiếu suy nghĩ, vợ chồng, anh em, cha con v.v… ”tố khổ” nhau mà thói thường là hay đơm đặt thêm “cho bõ ghét”. Cho nên chẳng còn ai dám tâm sự với ai, kể cả vợ chồng, mọi mối quan hệ là “đối phó”. Hộ hộ đều phải gia nhập hữu thức “theo kiểu đối phó cho an toàn bản thân” cái tà giáo đó mở đầu bằng lập bàn thờ tổ quốc để “thờ sống” ảnh của “bác Hồ” và các lãnh tụ cộng sản trong và ngoài nước như Marx, Ăng-ghen, Lénine, Staline, Mao trạch Đông… Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm văn Đồng, Võ nguyên Giáp và Hoàng quốc Việt.

Sau việc “đào tận gốc, trốc tận rễ” thị dân ở miền Bắc Việt Nam, Đỗ Mười và phó là Khuất duy Tiến đều lên cơn điên phải đưa qua Trung cộng chữa bệnh. Khuất duy Tiến bị điên cho đến chết. Còn Đỗ Mười, hơn hai năm sau được Hồ chí Minh gọi về cho làm bộ trưởng nội thương rồi lên phó thủ tướng và leo tới ủy viên dự khuyết bộ chính trị cùng lượt với Tố Hữu.


Sau tháng 4-1975, Đỗ Mười lại chỉ đạo cuộc “đào tận gốc, trốc tận rễ” thị dân ở miền Nam Việt Nam, qui mô còn lớn hơn và tàn khốc không khác gì ở miền Bắc những năm sau 1954. Có điều sức mạnh tiềm tàng của thị dân miền Nam đã làm được cái việc như David đánh ngã tên khổng lồ.


Vói thành tích vĩ đại đó, Đỗ Mười đã leo lên ghế chủ tịch hội đồng chính phủ sau đại hội 6 cộng đảng và tổng bí thư sau đại hội 7 cộng đảng!


Hiện nay trước sự sụp đổ ào ạt của hệ thống xã hội chủ nghĩa, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam buộc lòng phải nói đến “mở cửa”, đến “kinh tế thị trường” có “hướng dẫn” và nhắc lại bài bản vọng cổ mùi mẫn “hòa hợp, hòa giải”, nhưng họ vẫn nắm đằng chuôi bằng cách ghi rõ trên giấy trắng mực đen vào luật gốc (tức hiến pháp 1992) rằng đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam, vẫn xây dựng chủ nghĩa xã hội theo lý thuyết Marx-Lénine; vẫn theo tư tưởng Hồ chí Minh. Như thế phải hiểu là chỉ là chỉ có những người trong tầng lớp lãnh đạo của cộng sản hiện hành hoặc những người do họ tuyển chọn để thừa kế, tất nhiên là họ dựa vào tiêu chuẩn đồng nhất tư tưởng chính trị, mới là kẻ “hợp pháp” để lãnh đạo đất nước Việt Nam, cũng như nội dung chủ nghĩa xã hội theo lý thuyết Marx-Lénine là thủ tiêu mọi quyền tư hữu về tư liệu sản xuầt (dù lớn hay nhỏ) của tư nhân để tập trung trong tay đảng cộng sản trọn vẹn là chủ của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa v.v… của đất nước thì đến một lúc nào đó, khi hoàn cảnh cho phép, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ chí Minh lại có quyền “hợp pháp” làm lại 4 cuộc cách mạng mà thực chất nội dung vẫn là:


“Trí, phú, địa, hào

Đào tận gốc, trốc tận rễ!”


Ngay chính cái lúc mà những người lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam tuyên bố long trọng rằng “đổi mới”, “mở cửa” và mọi việc đều do “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nghĩa là “mở rộng dân chủ” thì trí thức vẫn là đối tượng bị “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Cụ thể là biết bao trí thức như các nhà văn, nghệ sỹ, kỹ sư, bác sỹ, giáo sư, sinh viên… đều phải sống đói khổ, thiếu thốn, thua xa những cảnh sát giao thông, công an kinh tế, thủy thủ tàu viễn dương, nhân viên hải quan, chiêu đãi viên hàng không và một lô các loại mánh mung không cần “chữ nghĩa, khoa học”. Và, cũng trí thức bị tù đày nhiếu nhất như bác sỹ Nguyễn đan Quế, tiến sỹ Nguyễn mộng Giao, Thái Thủy v.v… hoặc bị quản chế như giáo sư Nguyễn ngọc Lan, linh mục Chân Tín v.v… Ngay những người bị đàn áp từ phong trào Nhân văn – Giai phẩm, tuy được gọi là “cởi mũ” (tức tha tội) mà vẫn sống khó khăn, còn bị làm khó dễ như các thi sỹ Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan v.v… hay như Văn Cao mới đây trong vụ kiện tác quyền tác giả bài “Tiến quân ca” (tức quốc ca của cộng sản Việt Nam). Ngay cả những người đã chết vẫn chưa được trả lại “chỗ đứng khiêm tốn, như nhà văn Vũ trọng Phụng, các tác phẩm bị cấm lưu hành từ năm 1954, hay cụ Phan Khôi v.v… tuy đã chết mà con gái còn bị “làm nhục”, kẻ phạm tội đó là Nông quốc Chấn, vẫn cứ là thứ trưởng bộ văn hóa từ đó cho đến nay.

Giới chức lãnh đạo cộng sản Việt Nam có thể bỏ qua chuyện hà lạm công quỹ của chân tay, nhỏ thì như vụ Đường-sơn-quán, lấy tiền chơi điếm hàng triệu, hay như tổng cục trưởng du lịch Nguyễn quyền Sinh, công quỹ phải chi mỗi chiều độ hai chỉ vàng cho giải khát sau khi luyện quần vợt, lớn thì như vụ thứ trưởng Thân trung Hiếu, làm thất thoát hàng triệu đô-la Mỹ v.v… nhưng không bao giờ có chuyện họ quan tâm đến một trí thức dân tộc như ông Nguyễn bạt Tụy để bù lỗ, cho xuất bản một tác phẩm nghiên cứu khoa học, mà họ cũng không cho phép ông bán bản quyền cho nhà xuất bản ở nước ngoài! Giờ đây ông Nguyễn bạt Tụy chỉ còn chờ mong ở hảo tâm của người Việt sống ở nước ngoài giúp đỡ ông chút ông vốn để tự xuất bản tác phẩm của mình.


Chừng nào chế độ xã hội Việt Nam còn trong tay những người cộng sản thì số phận trí thức bị coi thường nói chung, cứ lấy thí dụ trong câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu để chứng minh, trong khi nhà thơ cung đình cộng sản này làm thơ khóc Staline, ví như ông nội, hay coi Hồ chí Minh như cha, thì đã gọi nhà thơ, nhà trí thức vĩ đại Nguyễn Du là anh!


“Anh làm thơ, tôi cũng làm thơ”…


Đất nước Việt Nam ngày nay nghèo khổ, giống hệt con giun đất của Trạng Quỳnh, bên cạnh các con rồng lớn, rồng nhỏ ở châu á có nguyên nhân từ các tầng lớp trí, phú, địa, hào của xã hội Việt Nam đã bị đảng cộng sản Việt Nam đào tận gốc, trốc tận rễ và những người thực hiện cái việc hại dân, hại nước đó vẫn đang nắm quyền lực lớn nhất ở guồng máy cai trị hiện nay ở Việt Nam.

Tháng 9-1992

http://hon-viet.co.uk/

No comments: