Tuesday, June 19, 2007

Báo nước ngoài và cuộc bầu cử Quốc Hội ở Việt Nam

Báo nước ngoài và cuộc bầu cử Quốc Hội ở Việt Nam
(LÊN MẠNG Thứ tư 23, Tháng Năm 2007)


Trần Đức Tường
(VNN)

Có thể nói, cuộc bầu cử Quốc Hội tại Việt Nam ngày 20/5/2007 vừa qua đã được báo chí nước ngoài đặc biệt chú ý theo dõi. Các hãng thông tấn quốc tế đều có đưa tin và nhiều báo chí trên thế giới đã trích lại. Chính thông tấn xã CSVN, cũng đã khoe rằng:"Báo chí nước ngoài đưa tin đậm nét cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội Việt Nam" và đã nêu tên những hãng thông tấn này như ITAR-TASS của Nga, Reuters của Anh, AP của Mỹ và AFP của Pháp. Các phóng viên nước ngoài chú tâm theo dõi, chắc chắn không phải vì tỷ lệ cử tri đi bầu nhiều nơi lên đến 100%. Họ theo dõi vì nhiều lý do khác. Dân trong nước ít có người đọc được những bài báo nước ngoài mà chỉ biết những gì thông tấn xã Nhà Nước trích dẫn. Tất nhiên là Nhà Nước không trích dẫn hết những gì phóng viên nước ngoài viết về cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua. Hy vọng, nêu lên ở đây những điểm chính trong các bản tin nước ngoài sẽ làm rộng đường dư luận và giúp cho đồng bào ta khỏi bị thông tin một chiều.

Các hãng thông tấn nêu trên đều là những hãng tư nhân và không hề bị chi phối bởi chính phủ nước họ. Họ có phóng viên hoạt động trên tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Họ cũng không có ân oán gì với bất cứ một quốc gia nào. Chức năng của họ là thông tin khách quan và chính xác. Các chính phủ và nhất là giới làm kinh tế nhờ đó hiểu rõ tình hình địa phương hầu có kế hoạch phù hợp để đầu tư, kinh doanh. Họ chú trọng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc Hội tại Việt Nam lần này vì đây là cái Quốc Hội đầu tiên sau khi Việt Nam được gia nhập WTO. Qua những diễn tiến của cuộc bầu cử vừa qua, họ có thể có được những ý niệm về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Truyền thông nước ngoài có lập trường khác với lập trường tuyên truyền của Nhà Nước. Vì thế, nói họ đã "đưa tin đậm nét cuộc bầu cử QH Việt Nam" không có nghĩa là họ ca ngợi, tuyên truyền cho đảng và Nhà Nước CSVN.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam đã đánh giá "cuộc bầu cử tại Việt Nam là một chuyện không tự nhiên". Ông cho rằng: "Bầu cử Quốc Hội chỉ là cách động viên và tái xác định sự chính thống của chính quyền độc đảng tại Việt Nam". Sự kiện này đã được các hãng thông tấn nước ngoài đăng tải sau khi phân tích cách thức thiết lập danh sách ứng cử viên, cách thức loại bỏ những người tự ứng cử, không do Mặt Trận Tổ Quốc, cơ quan thống thuộc đảng CSVN giới thiệu. Đề cập đến tỷ lệ cử tri đi bầu trên 95%, họ đã trực tiếp phỏng vấn những người đi bầu cho cả gia đình mà không hề có một sự ủy quyền hợp pháp nào. Đây là hình ảnh của một sự gian lận trong bầu cử, vì nếu một người trong gia đình có thể bầu thay cho cả nhà thì cán bộ tại phòng phiếu cũng có thể bỏ phiếu cho những người không đi bầu và cũng không nhờ người bầu hộ. Một điều nữa mà báo chí nước ngoài đề cập là mặc dù "Việt Nam muốn có sự tham gia bầu cử của đông đảo quần chúng; nhưng đảng CSVN được đảm bảo chắc chắn sẽ chiếm ít là 90% số ghế trong Quốc Hội". Theo hãng thông tấn Reuters thì có đến "80% ứng cử viên được giới thiệu ra ứng cử lần đầu". Các hãng thông tấn đều ghi nhận là từ ít lâu nay, Quốc Hội không còn thuần túy chỉ là cơ quan thông qua các chỉ thị của đảng và hành pháp CSVN, mà đã có những phiên chất vấn hành pháp. Những chất vấn này đôi khi đã đặt hành pháp và đảng CSVN vào tình trạng bối rối. Phải chăng đảng CSVN muốn thay đổi 80% đại biểu cũ bằng người mới, ngoan ngoãn, dễ bảo và không gây khó khăn cho đảng CSVN? Bằng chứng là theo hãng thông tấn AFP, các ứng cử viên không ai có một "chương trình chính trị" rõ ràng một khi được đắc cử.

Nhận xét về những lời tuyên bố của giới lãnh đạo CSVN về một cuộc bầu cử dân chủ, báo chí nước ngoài cũng nhận thấy "Tập đoàn lãnh đạo Việt Nam nói về dân chủ cũng giống như Trung Quốc nói về dân chủ tại cơ sở... Họ chưa sẵn sàng cho một nền dân chủ đích thực...". Minh chứng cho nhận xét này, các hãng thông tấn đều nhắc lại đợt đàn áp những người cổ vũ dân chủ, nhân quyền vừa qua với những bản án nặng nề và độc đoán.

Đối với người dân Việt Nam, cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua cũng chỉ là một trò hề. Lãnh đạo đảng CSVN đã định trước cấu trúc và các thành phần trong Quốc Hội. Đã có những người quyết liệt tẩy chay, không chịu đi bầu, mặc dù cán bộ Ủy Ban Bầu Cử tới tận nhà xua lùa. Họ cho rằng bầu hay không bầu thì kết quả cũng sẽ không thay đổi với những con số kỷ lục. Một số khác, vì sợ sẽ gặp khó khăn đối với chính quyền địa phương trong tương lai nên miễn cưỡng đi bầu và gom thẻ cử tri của cả nhà đi bầu cho yên chuyện. Một cử tri đã tâm sự với phóng viên Grant McCool của hãng Reuters rằng: "Mặc dù tất cả ứng cử viên cũng cùng một đảng, nhưng vẫn cần đi bầu vì những đại biểu trước đây không tốt".

Cuộc bầu cử Quốc Hội khóa XII được đặt dưới chiêu bài chống tham nhũng. Thực chất, Quốc Hội hoàn toàn do đảng CSVN khống chế. Tham nhũng xuất phát từ đảng CSVN, từ chế độ độc tài độc đảng. Liệu Quốc Hội có thể dẹp đảng, dẹp chế độ là hai đại nạn cho đất nước dân tộc này được không? Nếu không thì đừng nói tiêu diệt nạn tham nhũng.

No comments: