Wednesday, June 13, 2007

Nước đã về non

Nước đã về non

Đỗ Thái Nhiên


Có người, một cách tư lự, buông tiếng thở dài: đời là bể khổ. Người khác, nóng tánh hơn, bực dọc phát biểu ý kiến: sống tức là tranh đấu. Tuy nhiên, dầu đời là bể khổ hay dầu đời là trường đấu tranh, đời vẫn hàm chứa trong nó bốn viên ngọc quí. Đó là: văn, thơ, nhạc, hoạ. Bốn viên ngọc này đã mang yêu thương đến với tị hiềm, đã đẩy hơi ấm vào miền hoang lạnh, đã trải thảm xanh trên chiến địa tương tàn, đã bào mòn rất nhiều góc nhọn trên cuộc tranh sống. Bốn viên ngọc này “mỗi viên mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”. Riêng đối với người yêu thơ, viên ngọc kỳ diệu nhất vẫn là viên ngọc biểu tượng của nàng thơ. Thơ không nhiều ngôn từ bằng văn, không giầu mầu sắc bằng hoạ, không rộn ràng âm thanh bằng nhạc, nhưng chỉ có thơ, vâng chỉ có thơ mà thôi, mới diễn đạt được trọn vẹn nội dung hư nhưng thực, có nhưng không, tục nhưng thanh, hạnh phúc nhưng đọa đầy của đời sống. Thực vậy, nếu không có nghệ thuật và kỹ thuật của thơ, Tản Đà đã chẳng thể nào lột tả được mối liên hệ kỳ lạ giữa nước với non: bền chặt nhưng ly cách, tha thiết nhưng chìm nổi, gần kề nhưng vời vợi:


Non cao những ngóng cùng trông
Nguồn: vietnamluxurytravel.com
--------------------------------------------------------------------------------

“Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày…”
(Thề Non Nước, Tản Đà)

Tuy nhiên, suối chưa kịp “Khô dòng lệ”, Nước đã nhắn lời an ủi Non:

“Non xanh đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!”

Cuối cùng, theo những giọt mưa tả tơi, nước trở về nguồn. Mỗi giọt mưa có thể là một giọt nước mắt của chất ngất đắng cay, cũng có thể là một giọt nước mắt của tận cùng xúc động trước cảnh Nước - Non tái hợp. Nước dễ dàng ra đi theo từng dòng suối, nước vất vả trở về theo từng hạt mưa…

“Thề Non Nước” là bài thơ chỉ tả cảnh nước rời non, cảnh non nhung nhớ nước cùng với lời an ủi của nước nhắn về non. “Thề Non Nước” không hề nói đến cuộc lưu lạc giang hồ lắm truân chuyên của nước, lại càng không đề cập đến thời điểm trở về trong nước mắt của nước. Chính những gì mà Tản Đà không đề cập đến đã làm cho bài thơ kết thúc bằng nhiều dấu chấm… Sau nhiều dấu chấm đó, mỗi người đọc thơ đều có thể tuỳ nghi nghĩ đến nội dung của những tan hợp trong đời riêng của họ. Có người yêu thích “Thề Non Nước” vì bài thơ đã gợi nhớ ngày đương sự từ chiến địa hoang tàn trở về mái nhà ấm cúng. Người khác yêu mê “Thề Non Nước” vì bài thơ đã làm cho hình ảnh một người yêu nào đó bừng bừng sống lại, một người yêu đã từng ra đi, đã từng hẹn ngày về, nhưng hẹn ước mãi mãi chỉ là ước hẹn… Sau hết, người yêu thơ đặc biệt nhất có lẽ là người nhân đọc bài “Thề Non Nước” đã hình dung từ trong tim óc của mình ngày quê hương hồi sinh: ngày đó cơm áo của nhân dân được trả về cho nhân dân, ngày đó văn hoá dân tộc được quay về với dân tộc, ngày đó nước đã về non.

Giống như dòng sống của bất kỳ dân tộc nào, dòng sống của quê hương Việt Nam từ nhiều ngàn năm qua là một nỗ lực bất tuyệt tìm đến ánh sáng văn minh. Dã man là phản nghĩa của văn minh. Dã man là hình thái sống không có sự phân biệt giữa đời người và kiếp vật. Vì vậy văn minh chính là nội dung cách biệt giữa nhân tính và vật tính. Trong Việt ngữ có chữ “hoá” được người Việt ưa thích. Công khai hoá tức là làm cho một vấn đề trở nên công khai. Pháp lý hóa tức là làm cho một vấn đề trở thành đối tượng được luật pháp bảo vệ. Văn minh hoá tức là hoá thành văn minh hơn. Văn minh hoá được gọi đơn giản là văn hoá. Thế nên, trên chính danh, thuật ngữ văn hoá hiển nhiên hàm ngụ hai yếu tố:

- Văn hoá có mặt rộng là ba nhóm sinh hoạt cốt lõi của con người: sinh hoạt tư tưởng, sinh hoạt khoa học kỹ thuật, sinh hoạt xã hội (lịch sử).

- Văn hoá có chiều cao là nỗ lực phát triễn và thượng tôn nhân tính.

Hai yếu tố của văn hoá thường hằng gắn bó với nhau. Thiếu đi một trong hai yếu tố này, văn hoá sẽ lập tức trở nên mù lòa, què cụt. Trong thực tiễn lịch sử đã có rất nhiều giai đoạn con người do mải mê tranh đoạt quyền lợi vật chất trên bề mặt của văn hoá mà quên đi chiều cao của văn hoá. Từ đó văn hoá bị bóp méo, bị lệch hướng, nhiều khi ngược hướng tiến của văn minh. Cuộc biệt ly giữa văn hoá và hướng tiến của văn minh bao giờ cũng buồn thảm chẳng khác nào tình huống Nước phải rời Non. Nước rời Non, Nước đi vào kinh lạch vẫn đục, đi vào biển mặn chát đắng, đi vào mây xám âm u. Bị buộc phải rời bỏ hướng phát triển văn minh của Người, hướng nhân văn, văn hoá biến dạng dưới những tên gọi kỳ lạ như văn hoá giai cấp tính, văn hoá Marx - Lenin, văn hoá kỷ trị, văn hoá tư bản, v.v và v.v…Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng, thế nhưng thế giới chỉ ổn định trên nền tảng thống nhất giữa dân tộc tính và nhân loại toàn tính, giữa văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại. Trên nền tảng thống nhất vừa kể, văn hoá chỉ có thể có hai loại: văn hoá thuận Nhân Văn và văn hoá nghịch Nhân Văn. Thật ra, khi đã nghịch Nhân Văn, văn hoá không đáng gọi là văn hoá nữa. Sau khi rời Non, dầu ở cống, ở biển, hay ở mây, Nước vẫn được gọi là Nước. Có gọi như vậy người ta mới dễ dàng theo dõi nỗ lực nhọc nhằn của Nước trên đường tìm về Non. Tương tự như vậy, đối với các loại văn hoá nghịch Nhân Văn, chúng ta cứ gọi chúng là văn hoá trong ý nghĩa rằng: văn hóa nghịch Nhân Văn chỉ là tình huống bệnh thái, tạm thời của văn hoá. Thuận Nhân Văn mới là văn hoá thường thái và vĩnh hằng.

Vấn đề thuận hay nghịch Nhân Văn của văn hoá khiến chúng ta liên nghĩ đến vấn đề xu thế của lịch sử, Ngày nay, khoa biện chứng pháp đã minh chứng một cách khúc chiết và chính xác: lịch sử có xu thế của nó. Xu thế của lịch sử được xây dựng bởi tất cả nỗ lực bảo vệ và phát triển dòng sống của con Người, dòng Nhân Văn. Như vậy, cả lịch sử lẫn văn hoá đều lấy nhân văn làm cốt lõi, văn hoá có xu thế của văn hoá. Xu thế là cái thế buộc phải tiến đến. Nam nữ bình đẳng là xu thế tương quan xã hội của Nam Nữ. Bình đẳng cơ hội trên sinh hoạt kinh tế là xu thế đấu tranh của nhân dân sống dưới ách tư bản nhà nước cũng như tư bản tư nhân. Xu thế của văn hoá là công trình khám phá và diễn đạt của hiểu biết tổng hợp: triết học, sử học và khoa học. Bài này không có trọng tâm trình bày toàn diện về phương pháp mà các nhà biện chứng đã sử dụng để xác định xu thế của văn hoá. Thay vào đó, bài viết chỉ xin trình với bạn đọc một cách tổng quát rằng xu thế của văn hoá không hề là sản phẩm tư duy tuỳ tiện của một cá nhân. Xu thế của văn hoá là thực tại văn hoá được xây dựng thông qua sự vận hành có qui luật của tự nhiên, của tư tưởng và của xã hội. Nói cách khác: văn hoá không là một hiện tượng thả nổi, một hiện tượng mà con người có thể tuỳ nghi vo tròn bóp méo. Văn hoá có qui luật của văn hoá, từ đó văn hoá có xu thế.

Dầu bạn muốn hay không muốn: sau khi rời Non, bằng mọi cách Nước sẽ quay về nguồn. Đó là xu thế vận hành của Nước:

“Non xanh đã biết hay chưa,
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn”

Dầu bạn muốn hay không muốn: sau một thời gian xa rời hướng phát triển Nhân Văn, văn hoá không thể không quay về với Nhân Văn. Đó là xu thế của văn hoá. Như đã trình bày ở trên, Nhân Văn là tình trạng vừa xác nhận sự khác biệt giữa nhân tính và động vật tính, vừa thượng tôn nhân tính. Đời người trăm biến vạn hoá. Thế nên nhân tính cũng muôn hình vạn trạng. Tuy vậy, nhìn một cách chung nhất, nhân tính có bốn nhóm căn bản:

- Sắc tính: người và động vật đều có tính di truyền và phát triển nòi giống. Tuy nhiên khác với liên hệ đực cái của động vật, liên hệ nam nữ của người có tình yêu và có lòng trung thành song phương làm Kim Chỉ Nam.

- Nhu yếu tính: người và động vật đều cần ăn khi đói, cần uống khi khát. Tuy nhiên khác với động vật thoả mãn nhu yếu theo kiểu mạnh được yếu thua, con người bao giờ cũng mong muốn thoả mãn nhu yếu trong khung cảnh thịnh vượng chung, không người nào bị chèn ép bởi tập thể hay cá nhân khác.

- Tự vệ tính: người và động vật đều có nỗ lực vô hiệu hoá nguồn gốc tấn công mỗi khi bị tấn công. Tuy nhiên khác với động vật tự vệ bằng xương bằng thịt, người tự vệ bằng không ngừng nỗ lực xây dựng hoà bình.

- Xã hội tính: Người và động vật đều sống hợp quần. Tuy nhiên khác với động vật chỉ biết sống theo bầy, người có ý thức về trách nhiệm đối với tập thể trong sinh hoạt xã hội, ý thức trách nhiệm này là tiêu chuẩn để xác định xã hội tính của loài người.


Eros
Nguồn: thezreview.co.uk
--------------------------------------------------------------------------------

Khảo sát bốn nhóm nhân tính căn bản nêu trên, người ta thấy sắc tính (Eros) là nhóm nhân tính trội yếu, nó chi phối ba nhóm nhân tính còn lại. Một cách căn bản, sắc tính là huyết mạch của đời người, nó giúp người đời đạt đến và giữ gìn được mức cân bằng hợp lý giữa tâm lý và sinh lý. Trên mức cân bằng này con người mới có đủ năng lực tâm sinh lý để biểu lộ tính bình đẳng về cơ hội trong lãnh vực thoả mãn nhu yếu, tính tự vệ thông qua nỗ lực nghị hoà và tinh thần bảo vệ để phát triển tập thể trước mọi sinh hoạt xã hội. Điều vừa trình bầy hoàn toàn không có hàm ý đề cao phàm tình chủ nghĩa (Pan Sexualism), nó chỉ nhằm mục tiêu phản ảnh cơ sở khách quan và thực tại của nhân sinh với ghi chú: tuy sắc tính chi phối nhu yếu tính, tự vệ tính và xã hội tính, nhưng động tác chi phối này bao giờ cũng đặt dưới quyền điều động vi diệu của tư tưởng giới. Đó là lý do giải thích tại sao người Trung Hoa đã ghép chữ nữ cạnh chữ tử thành chữ hảo với ghi chú tử là tử tước, là người đàn ông có đức hạnh. Đó là lý do giải thích tại sao người Âu Mỹ thường chưng bầy tượng Nam Nữ khỏa thân tại công viên hay tại đền đài tráng lệ và nghiêm trang của họ. Đó là lý do giải thích tại sao đa số tác phẩm văn học nghệ thuật đều chọn tình yêu Nam Nữ làm đề tài. Sau cùng đó cũng là lý do giải thích tại sao ái tình hiểu theo nghĩa trong lành đã trở thành dấu hiệu phổ biến của Nhân Văn, dấu hiệu của xu thế văn hoá. Thế nhưng tại Việt Nam trong nhiều thập niên qua, do nhu cầu của đấu tranh giai cấp, tất cả những gì không liên hệ đến hoặc không thuận lợi cho cuộc đấu tranh này đã bị đảng của giai cấp vô sản thẳng tay loại trừ ra ngoài dòng văn hoá. Nói đúng hơn, văn hoá Nhân Văn đã bị đánh đuổi bởi văn hoá Marx - Lenin Văn hoá Nhân Văn bị miệt thị là văn hoá đồi truỵ. Từ dạo ấy văn hoá Nhân Văn buồn tủi nằm dưới nhãn hiệu “văn hoá quốc cấm”. Từ dạo ấy Nước đã rời Non. Từ dạo ấy, Non mỏi mòn trông ngóng Nước:

Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày…

Tháng ngày chờ mong tuy dài thật là dài, nhưng không là chờ mong vô vọng. Nước không thể không “đi ra bể”, Nước không thể không “lại mưa về nguồn”. Đó là xu thế của Nước. Văn hoá Nhân Văn không thể không bị quấy nhiễu bởi văn hoá phản nhân tính. Thế nhưng văn hoá Nhân Văn không thể không tìm về với dân tộc Việt. Đó là xu thế của văn hoá. Văn hoá Nhân Văn là văn hoá đặt trên nền tảng nhân tính, trong đó sắc tính là trội yếu so với nhu yếu tính, tự vệ tính và xã hội tính. Bảo là trội yếu bởi lẽ tự thân sắc tính đã hàm chứa trong nó những nét trong sáng nhất của nhu yếu tính, tự vệ tính và xã hội tính mà gia đình là không gian tiên khởi của yêu thương và thịnh vượng chung. Thực vậy, không phải do một ứng khẩu tình cờ mà Khổng Phu Tử đã đưa ra nhận định: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. “Tề gia” không thể hiểu đơn giản trên ý nghĩa dạy vơ “đạo Tam Tòng” và dạy con “luật Phụ quyền”. Tề gia chính là nỗ lực làm thế nào để vợ chồng có thể giữ trọn lòng trung thành song phương trong tình yêu và làm thế nào để cho vợ chồng cùng con cái đối xử với nhau trên căn bản thuận hoà trong tự vệ tính, bình đẳng về cơ hội trong nhu yếu tính và trách nhiệm chung trong xã hội tính mà gia đình vừa là xã hội thu nhỏ, vừa là ngưỡng cửa của xã hội dân tộc. Như vậy “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” chẳng qua chỉ là một kiểu xác định sắc tính là tính trội yếu của nhân tính. Văn hoá Marx - Lenin là “văn hoá” đặt trên nền tảng giai cấp tính, trong đó tính đấu tranh giai cấp là trội yếu, nhu yếu tính, tự vệ tính, xã hội tính là ba tính phụ thuộc của tính đấu tranh. Riêng đối với sắc tính, văn hoá Marx - Lenin bao giờ cũng xem tính này là uỷ mị, là đồi trụy.

Đó là điểm khác biệt cốt lõi giữa văn hoá Nhân Văn và văn hoá Marx - Lenin. Hơn thế nữa, văn hoá Nhân Văn là thực tại của dòng nhân sinh được phản ánh bởi một hệ thống biện chứng lấy Con Người làm tiền đề, lấy qui luật vận động và phát triển của tự nhiên, tư tưởng và xã hội làm công cụ phân tích và tổng hợp để biện giải đến cùng lý mọi hiện tượng của đại vũ trụ. Trong khi đó văn hoá Marx - Lenin là phần vận dụng rút ra từ triết học Duy Vật lấy vật chất làm tiền đề và lấy qui luật vận động và phát triển của vật chất để trực tiếp giải thích và tổ chức xã hội loài người. Như vậy, dưới lăng kính thống nhất của bản thể, nhận thức và phương pháp, mọi người đều nhận thấy thật rõ ràng: Văn hoá Marx - Lenin đã vận hành nghịch chiều với văn hoá Nhân Văn . Chính vì tính nghịch chiều này, sau hơn bẩy thập niên ngự trị trên thế giới xã hội chủ nghĩa, văn hoá Marx-Lenin đã bị nhân dân thế giới chối bỏ bằng Perestroika, bằng những biến chuyển vô tiền khoáng hậu ở Đông Âu. Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây tuy chưa có những thay đổi làm rộn rịp làng xã, phố phường, nhưng văn hoá Nhân Văn không thể không tìm về dân tộc Việt. Đề cập đến tình trạng “văn hoá về nguồn” có lẽ có người đã liên nghĩ đến những hình ảnh Nước về với Non:

Nước đi theo dòng suối, Nước về theo từng giọt mưa. Liên nghĩ này đã kéo theo câu hỏi: “Trên non sông Việt nam ngày nay, đâu là giọt mưa văn hoá?” Bài viết xin trân trọng trả lời câu hỏi vừa nêu bằng cách kính mời bạn đọc hãy bước vào thực tiễn đời sống tại Việt Nam để trực tiếp ngắm nhin các giọt mưa đầu mùa của “mùa văn hoá về nguồn”:

- Giọt mưa văn hoá thứ nhất: Tháng 9 năm 1988 nhà xuất bản thành phố HCM ấn hành tác phẩm “Vấn Đề Con Người và Chủ Nghĩa Lý Luận Không Có Con Người” của tác giả Trần Đức Thảo. Tác giả này là một lý thuyết gia Marxist nổi tiếng trên diễn đàn triết học quốc tế Cộng Sản trong nhiều thập niên qua. Nhắc tới tác giả Trần Đức thảo ở đây, bài viết không có chủ ý bình luận xem tác giả Trần Đức Thảo đã thành công hay không trong cố gắng chứng minh chủ nghĩa Marx có bản chất nhân bản. Bài viết này chỉ xin nhấn mạnh rằng: bằng tác phẩm “Vấn Đề Con Người và Chủ Nghĩa Lý Luận Không Có Con Người”, Trần Đức Thảo đã gián tiếp nhưng mạnh mẽ và dứt khoát khẳng định: Nhân Văn chính là hướng đi nghìn đời của văn hoá.

- Giọt mưa văn hoá thứ hai: Trên nguyệt san Đất Việt số tháng 3 năm 1989 phát hành tại Canada, ông Trần Bạch Đằng đã viết bài “Chiến Lược Con Người”. Bài này được dư luận của người Việt trong cũng như ngoài nước đặc biệt quan tâm. “Chiến Lược Con Người” tạo sự đặc biệt quan tâm không phải vì nó là một đề tài mới mẻ mà chỉ vì lần đầu tiên trong lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam, “Chiến Lược Con Người” đã được một đảng viên nhiều tuổi đảng đề cao như một quốc sách.

- Giọt mưa văn hoá thứ ba: những năm gần đây, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã cho phép tái bản những tác phẩm văn học tiền chiến cũng như những tác phẩm được viết tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nội dung trọng yếu của trào lưu văn học này là tình yêu Nam Nữ, là những băn khoăn của con người về ý nghĩa của đời sống.

- Giọt mưa văn hoá thứ tư: giọt mưa này phải gọi là trận mưa mới đúng. Song song với sự được phép tái hiện của những văn thi phẩm không thuộc văn hoá Marx-Lenin như đã nói ở giọt mưa văn hoá thứ ba, là thái độ chuyển hướng viết của một số đáng kể những nhà văn sinh ra và lớn lên trong hệ thống giáo dục của CS chủ nghĩa. Những nhà văn ngày nay không còn viết bằng máu của đấu tranh giai cấp, bằng hận thù nhằm vào “tư sản mại bản” nữa, họ đã thực sự hấp dẫn người đọc qua những rung động kỳ diệu trong ái tình, qua những xao xuyến xoáy tim óc của người dân cùng khổ trước những cấu trúc xã hội phi lý, trước những dòng đời đã bị sử gia huyền thoại hoá. Số lượng nhà văn Việt Nam tại quốc nội tham dự vào “giọt mưa văn hoá thứ tư” ngày càng đông, bài viết không thể nêu đầy đủ, và nêu chính xác phương danh của những nhà văn khả kính này. Tuy vậy, ở đây bài viết vẫn xin phép nhắc đến các cây viết Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Lưu Quang Vũ, Nguyên Ngọc… như sự ghi nhận mở đầu của một lời giới thiệu chưa có được đầy đủ văn liệu từ trong nước.

Nhìn chung lại, điều được biểu tượng bởi bốn giọt mưa văn hoá nói trên đã nêu bật sự thể rằng: tại Việt Nam ngày nay, những rung cảm trong tình yêu Nam Nữ, những thao thức về thân phận con người, những tâm sự u uẩn của nhân dân đau khổ trước cảnh nghèo đói của quê hương, trước rất nhiều nghịch lý của cấu trúc và vận hành xã hội đang từng bước một, trở thành các hiện thực không thể chối cãi trên địa bàn sinh hoạt văn hoá mà văn học nghệ thuật là một bộ phận. So chiếu với nội dung đích thực của văn hoá Nhân Văn dường như mọi người đều nhận biết văn hoá Việt Nam tại quốc nội đang có những nỗ lực về nguồn, những nỗ lực làm cho nhân tính trở nên trội yếu. Chữ “nỗ lực” dùng ở đây hiển nhiên hàm ngụ những khó khăn trong cuộc về nguồn. Nước đi ra biển theo từng dòng suối, nước trở về non theo từng giọt mưa tơi tả.

Cách đây nhiều năm, đặt biệt là sau 1975, văn hoá Nhân Văn của Việt Nam đã bị ồ at lên án là văn hoá đồi trụy, đã bị tới tấp xua đuổi qua những biện pháp tịch thâu sách báo “quốc cấm”. Ngày nay, chuyến trở về của văn hoá Nhân Văn không phải là chuyến trở về toàn diện và êm thắm. Chuyến trở về này cũng tả tơi chẳng khác nào những giọt mưa tả tơi đã mang nước về non. Đằng sau màn mưa tả tơi đó, người ta thấy bóng dáng to cao của những người Maxist thủ cựu. Đó là lý do giải thích tại sao bài viết đã dùng hình ảnh “bốn giọt mưa văn hoá” để diễn tả những chông gai trên đường văn hoá Nhân Văn tìm về với nhân dân Nhân Văn. Giọt mưa nào cũng tả tơi, chuyến trở về nào cũng chông gai nhưng dứt khoát là ngày hồi xứ của văn hoá Nhân Văn đã đến và hồi xứ là một qui luật của xu thế văn hoá. Bốn giọt mưa văn hoá đã ghi nhận ở trên chỉ là các biểu tượng tiền phong cho cuộc hồi xứ toàn diện và triệt để của văn hoá Nhân Văn. Như vậy, là Nước đã về Non. Như vậy, là văn hoá Nhân Văn đã về với dân tộc Việt Nam, một dân tộc rất hiền hoà nhưng bất khuất.


Văn hoá web đen nhiều hơn chính trị
Nguồn: thezreview.co.uk
--------------------------------------------------------------------------------

Như mọi người đã biết: văn hoá bao gồm mọi lãnh vực vận động và phát triển của xã hội theo hướng văn minh hoá. Thế nên văn hoá là môi trường tổng hợp của giáo dục, chính trị, kinh tế, luật pháp, quốc phòng, ngoại giao… và văn học nghệ thuật là thành phần trội yếu của môi trường tổng hợp này. Được gọi là trội yếu bởi lẽ văn học nghệ thuật là lãnh vực nhậy cảm nhất trên dòng sống của dân tộc. Thực vậy, mọi vui hay buồn, thương yêu hay giận ghét, hy vọng hay tuyệt vọng, ủng hộ hay chống đối trong tư duy và hành động của nhân dân bao giờ cũng được văn học nghệ thuật đón nhận và phản ánh một cách mau mắn và chính xác nhất. Từ đó văn học nghệ thuật nghiễm nhiên đóng vai trò cảnh báo cho xã hội về từng giai đoạn thăng trầm của văn hoá cũng như của lịch sử. Điều này giải thích thoả đáng lý do tại sao các xã hội tân tiến đã mạnh mẽ tôn vinh quyền tự do báo chí là đệ tứ quyền, bên cạnh và ngang hàng với ba quyền khác, tạo thành thượng tầng kiến trúc tối cao của xã hội: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền tự do báo chí chính là quyền tự do sử dụng mọi hình thức phong phú của văn học nghệ thuật trong mục tiêu truyền thông hai chiều:

- Chiều thứ nhất: truyền thông cho nhân dân biết toàn bộ công tác phục vụ nhân dân do chính quyền thực hiện trên hai bình diện đối nội và đối ngoại.

- Chiều thứ hai: truyền thông cho chính quyền biết tất cả những bằng lòng và những không bằng lòng của nhân dân đối với công tác của chính quyền như đã nói ở chiều thứ nhất.

Văn học nghệ thuật là cuộc giao thoa kỳ diệu giữa nét thanh thoát của nghệ thuật và ước mơ nồng cháy của nhân sinh. Vì vậy, cảnh báo và truyền thông chỉ là hai trong muôn vàn tác dụng của văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, ở vào giai đoạn “Nước đã về Non” , văn hoá Nhân Văn đã hồi xứ thông qua cửa ngõ văn học nghệ thuật, người ta không thể không hướng trọng tâm suy nghĩ về những ý nghĩa cảnh báo mà văn học nghệ thuật đã gợi ý trong “bốn giọt mưa văn hoá”:

- Cảnh báo rằng văn học nghệ thuật là đội tiền phong của văn hoá. Sự thể văn học nghệ thuật tìm về với Nhân Văn phải được hiểu là chẳng bao lâu nữa giáo dục, chính trị, kinh tế sẽ hội ngộ trong dòng Nhân Văn.

- Cảnh báo rằng giáo dục Nhân Văn là nền giáo dục không nhằm cung cấp nhân sự cho guồng máy đấu tranh giai cấp, giáo dục Nhân Văn có chủ đích là đào tạo sinh viên học sinh thành những người có khả năng tự thắng chính mình, chủ động đối với vận hành của xã hội, giảm thiểu mọi tác hại của tự nhiên giới và buộc tự nhiên giới phục vụ loài người. Đó là chân ý nghĩa của hai chữ “trí thức”.

- Cảnh báo rằng: chính trị Nhân Văn cương quyết chối từ mọi hình thức lãnh đạo bao cấp và độc quyền. Chính trị Nhân Văn là chính trị của người tự giác. Chỉ có chế độ dân chủ đa nguyên mới có năng lực giúp cho người tự giác tồn tại và phát triển. Chính trị Nhân Văn là chính trị của dân chủ đa nguyên.

- Cảnh báo rằng: người tự giác và dân chủ đa nguyên đòi hỏi quyền lợi kinh tế vốn là quyền lợi của toàn dân phải được trả lại cho toàn dân. Đó là nền tảng lý luận của kinh tế Nhân Văn. Kinh tế Nhân Văn nặng nề lên án kinh tế tư bản nhà nước lẫn kinh tế tư bản tư nhân. Kinh tế Nhân Văn quyết tâm bảo vệ mọi cá nhân đều được bình đẳng về cơ hội trong sinh hoạt kinh tế: trên con đường thoả mãn nhu yếu, không một ai có thể bị chèn ép bởi bất kỳ cá nhân hay tập thể nào khác.

Sinh hoạt văn hoá là sinh hoạt muôn hình vạn trạng trong đó văn học nghệ thuật, giáo dục, chính trị, kinh tế là bốn bộ môn cơ bản. Chừng nào cả bốn bộ môn này đều được “Nhân Văn hoá” , văn hoá Việt Nam mới thực sự là văn hoá Nhân Văn. Văn hoá Nhân Văn là xu thế của văn hoá. Giáo dục, chính trị, kinh tế không thể không đi theo con đường Nhân Văn hoá mà văn học nghệ thuật đã có những bước tiên phong. Nghệ thuật chính trị là nghệ thuật tiên liệu. Đạo đức chính trị là đạo đức của những người đau khổ trước khi nhân dân đau khổ, hạnh phúc sau khi nhân dân đã hạnh phúc. Văn hoá Nhân Văn là nền văn hoá được tiên liệu là xu thế. Văn hoá Nhân Văn là hạnh phúc mà nhân dân ước mơ. Trước hướng tiên liệu đã ở trong tầm nhìn, trước niềm hy vọng đang làm rộn ràng lòng dân, nhà nước CSVN sẽ có những hành động cụ thể nào trong những ngày tới? Tôn trọng sự tin tưởng rằng: mặc dầu giới lãnh đạo CSVN hiểu biết rất thấp, tham ô rất cao nhưng mỗi người trong họ vẫn còn dấu vết của lương tri làm người, bài viết này xin phép không trả lời câu hỏi vừa nêu.

Copyright by DCVOnline 2006

http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=2506

No comments: